Chị Ngô Thị Thịnh đi từ TP.HCM về Tam Kỳ (Quảng Nam) cách ly tập trung vào ngày 31-7. Người phụ nữ mang thai 35 tuần được xác định dương tính với COVID-19 vào ngày 4-8.
Mổ lấy con khi mẹ cận kề cái chết
Sau đó, bệnh nhân có biểu hiện hiện ho, sốt kèm khó thở phải thở oxy nên được chuyển tuyến đến Trung tâm cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19 của BV Trung ương Huế cơ sở 2 lúc 3 giờ sáng ngày 9-8 để điều trị, theo dõi.
Lúc 8 giờ 45 ngày 11-8, chị Thịnh có dấu hiệu chuyển dạ, qua thăm khám bác sĩ chuyên khoa sản chẩn đoán và có chỉ định mổ cấp cứu lấy thai.
Các y bác sĩ điều trị cho sản phụ Thịnh.
Tại phòng mổ, bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp, tiên lượng rất nặng với da niêm mạc nhợt nhạt, khó thở nhiều, co kéo cơ hô hấp và được chẩn đoán nhau tiền đạo trung tâm chảy máu, ối vỡ sớm rất nguy kịch.
"Đây là trường hợp bệnh nặng và khó vì bệnh nhân mắc COVID-19 trong khi mang thai, nhập viện trong tình trạng nguy kịch đe dọa tính mạng cả mẹ lẫn con", GS.TS Phạm Như Hiệp (Giám đốc BV Trung ương Huế) nói.
Đến 9 giờ 30 cùng ngày, bệnh nhân được nhanh chóng phẫu thuật lấy ra 1 bé gái, nặng 2,2kg. Tình trạng bé gái sau sinh non thở yếu, không khóc, tím tái.
Sau một phút các bác sĩ nỗ lực cấp cứu, trẻ hồng hơn, cử động tay chân khá, trương lực cơ tốt, đã khóc nhưng còn thở yếu. Sau đó, trẻ được chuyển trung tâm cách ly tiếp tục theo dõi và điều trị.
Riêng mẹ được hồi sức tích cực, thở máy. Tuy nhiên, đến 16 giờ 30 cùng ngày, sức khoẻ sản phụ diễn biến xấu và được chỉ định lọc máu liên tục.
Sản phụ Thịnh được hỗ trợ bằng kỹ thuật ECMO.
Đến ngày 13-8, sau 2 ngày điều trị, tình trạng suy hô hấp vẫn tiến triển rất nặng, nguy kịch, áp lực oxy trong máu rất thấp mặc dù đã tối ưu các phương pháp điều trị.
Để cứu chữa người bệnh kịp thời, các y bác sĩ đã tiến hành hội chẩn các chuyên khoa dưới sự chủ trì trực tuyến của GS.TS Hiệp dù ông đang điều hành Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 ở TP.HCM.
Niềm vui sau 9 ngày hỗ trợ ECMO
"Với quyết tâm, nỗ lực cao nhất, các y bác sĩ sau khi mổ lấy thai đã nhanh chóng quyết định thực hiện kỹ thuật ECMO, lọc máu liên tục" - GS.TS Hiệp nói.
BS Trương Tuấn Anh (Trưởng kíp thực hiện kỹ thuật ECMO) cho biết, ECMO là một phương pháp hỗ trợ tim phổi cơ học được chỉ định cho những bệnh nhân nặng và nguy kịch. Việc này đòi hỏi sự tham gia đồng bộ của nhiều chuyên ngành với sự tập trung cao độ và chính xác để đem lại kết quả tốt nhất cho người bệnh.
"Đây là kỹ thuật hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn cuối cùng khi các phương pháp điều trị khác không đáp ứng được mục tiêu điều trị giúp duy trì sự sống của người bệnh", BS Trương Tuấn Anh cho hay.
Chị Thịnh xuất viện lên xe về lại quê.
Đến ngày 22-8, sau 9 ngày hỗ trợ ECMO, 11 ngày lọc máu, chăm sóc và hồi sức tích cực, sức khoẻ chị Thịnh đã dần ổn định và ngưng lọc máu. Các ngày sau đó, bệnh nhân tiếp tục được tập hô hấp liệu pháp và vận động phục hồi chức năng tích cực.
"Hiện sức khoẻ của bệnh nhân Thịnh đã ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, ăn uống ngon miệng. Bệnh nhân đi lại sinh hoạt bình thường, phổi thông khí tốt. Kết quả xét nghiệm PCR của hai mẹ con cả 3 lần gần nhất đều âm tính và đã đủ tiêu chuẩn để xuất viện" - GS.TS Phạm Như Hiệp nói.