Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về đề xuất chủ trương triển khai kế hoạch thực hiện chương trình hỗ trợ trang thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh TP.
Theo đó, Sở GD&ĐT đã tổ chức khảo sát thực tế và thống kê số liệu học sinh đang học của các bậc học tại TP không đảm bảo các điều kiện về thiết bị và đường truyền để học trực tuyến. Trong 1,3 triệu học sinh từ bậc tiểu học đến THPT có hơn 72.000 học sinh không có thiết bị và đường truyền. Trong đó, bậc tiểu học là hơn 31.000 em, THCS hơn 26.000 em và THPT hơn 15.000 em.
Cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1 trao thiết bị học trực tuyến đến học sinh ở “vùng đỏ”. Ảnh: GIÁO DỤC TP.HCM
Sở GD&ĐT đề xuất thành lập ban chỉ đạo tổ chức vận động, tiếp nhận nguồn tài trợ xã hội giúp học sinh.
Trong đó, 15.000 thiết bị đến từ nguồn vốn tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tâm huyết chung tay cùng TP và Sở GD&ĐT để tiếp sức cho học sinh. Sở cũng vận động các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông tài trợ hoặc cung cấp các gói cước viễn thông giá rẻ để ổn định đường truyền đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Bên cạnh đó, hơn 40.000 thiết bị đã qua sử dụng thông qua chương trình và kêu gọi các phụ huynh, học sinh, các cá nhân, tổ chức, công ty, mạnh thường quân, trường đại học đóng góp. Các cơ sở giáo dục tổ chức vận động, điều phối, tiếp nhận thiết bị đã qua sử dụng, rà soát cấu hình, sửa chữa nếu có và cài đặt phần mềm phù hơp cho việc học trực tuyến trên internet.
Ngoài ra, 30.000 thiết bị mua trả góp ưu đãi thông qua chương trình trả góp phối hơp giữa các ngân hàng. Sở GD&ĐT và Sở công thương lựa chọn các nhà cung cấp lớn, đảm bảo nguồn hàng có thương hiệu trên địa bàn và có chính sách bảo hành phù hợp. Sở GD&ĐT đề xuất UBND TP có chính sách hỗ trợ lãi suất vay trả góp phù hợp đối với phụ huynh, học sinh có nhu cầu mua trả góp thiết bị để học online. Thời gian hỗ trợ lãi suất là không quá 24 tháng.
Ngày 6-9, hơn 700.000 học sinh bậc THCS-THPT đã bắt đầu học trực tuyến chương trình mới. Ngày mai, 8-9, hơn 600.000 học sinh tiểu học sẽ tập trung theo lớp, làm quen với cách học trực tuyến và vào học chính thức từ 20-9.