Trong dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa mới đây, Cục Hàng không đề nghị việc áp giá sàn, mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định.
Cụ thể, với các đường bay dưới 500km, mức giá tối thiểu được đề nghị áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội là 320.000 đồng/vé/chiều, tối đa là 1,6 triệu đồng vé/chiều; nhóm đường bay khác dưới 500km, mức giá tối thiểu là 340.000 đồng, tối đa là 1,7 triệu đồng.
Đường bay từ 500-850km trở lên, mức giá tối thiểu là 440.000 đồng và tối đa 2,2 triệu đồng.
Đường bay từ 850km - dưới 1.000km, mức giá tương ứng là 560.000 đồng và tối đa 2,79 triệu đồng; đường bay từ 1.280km trở lên, mức giá tối thiểu là 750.000 đồng, tối đa là 3,75 triệu đồng.
Khách bay xếp hàng chờ vào khu vực soi chiếu an ninh tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: Quốc Thái |
Dự thảo đề xuất thời gian thực hiện điều chỉnh mức tối thiểu khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa từ đầu tháng 11/2021 đến hết ngày 31/11/2022.
Theo Cục Hàng không, giai đoạn từ đầu năm 2020 đến nay, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 dẫn đến sản lượng vận chuyển hàng không sụt giảm mạnh (không khai thác toàn bộ các chuyến bay quốc tế, các chuyến nội địa cũng bị cắt giảm hoặc lượng khách giảm đáng kể).
Trong khi đó, các hãng hàng không vẫn phải duy trì đội máy bay với số lượng tương đương, thậm chí lớn hơn số lượng máy bay năm 2019. Doanh thu sụt giảm mạnh trong khi chi phí giảm không đồng tốc với doanh thu dẫn đến các hãng hàng không bị đứt gãy dòng tiền thanh toán.
“Đây là những nguyên nhân căn bản trực tiếp tác động xấu đến hiệu quả sản xuất kinh doanh vận chuyển hàng không gây nguy cơ đe dọa đến sự tồn tại của các hãng hàng không. Các hãng hàng không đã liên tục hạ giá bán, để tối đa hóa hiệu suất sử dụng ghế trên máy bay, tạo dòng tiền duy trì hoạt động kinh doanh”, Cục Hàng không Việt Nam nêu.
Hơn nữa, trong giai đoạn khủng hoảng do tác động của dịch COVID-19 như hiện nay, các chính sách quản lý của Nhà nước về giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa (nếu có) chỉ mang tính chất phụ trợ, có thể giảm bớt phần nào khó khăn cho doanh nghiệp chứ không có tác động lớn, không mang tính quyết định đến tình trạng kinh doanh của doanh nghiệp.
Vì thế, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất áp giá sàn vé máy bay như một “chính sách áp dụng mang tính khẩn cấp, tạm thời nhằm giải quyết các khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19”. Theo đó, khung giá trên sát với thực tế về mặt bằng chi phí bình quân của các hãng hàng không Việt Nam; xấp xỉ mức giá cơ bản của dịch vụ đường sắt (ghế ngồi mềm điều hòa) và ngang bằng với dịch vụ vận chuyển đường bộ.
Trước đó, đã nhiều lần Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) kiến nghị áp dụng việc áp giá sàn tối thiểu trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách. Gần nhất, trong văn bản ngày 30/7/2021, Vietnam Airlines cho rằng, trong giai đoạn đại dịch COVID-19 thị trường có sự biến động bất thường, ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của ngành hàng không Việt Nam.
Nên hãng đề xuất Bộ GTVT xem xét triển khai giải pháp tình huống điều tiết giá thông qua mức giá tối thiểu trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản. Theo đó, mức giá tối thiểu vé máy bay bằng 44% mức giá tối đa trong khung giá quy định trong vòng 36 tháng.
Chia sẻ với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM trong sáng 7/9, đại diện một hãng hàng không cho biết, việc đề xuất trên của Cục Hàng không đến Bộ GTVT là nội dung mà Cục đã họp với các hãng bay từ 4/2021. Tuy nhiên, cơ bản thì các hãng, ngoại trừ Vietnam Airlines đều không đồng ý việc áp sàn vé bay, vì sẽ không tạo cạnh tranh và lợi ích cho người tiêu dùng.
Cuối tháng 8/2021, trong cuộc họp trực tuyến của Bộ GTVT về công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực hàng không, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo, giao Cục Hàng không chủ trì rà soát, đề xuất Dự thảo quy định mức giá tối thiểu trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa để báo cáo Bộ GTVT trong tháng 8/2021. |
Quốc Thái