Ngân hàng Nhà nước cho phép khách hàng vùng phong tỏa được tạm hoãn trả nợ đến 7-9 - Ảnh: T.L
Đây là điểm mới trong thông tư số 14 sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 01 vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành.
Theo các ngân hàng, việc bổ sung quy định này là rất cần thiết, để từ đó các ngân hàng có căn cứ để cơ cấu nợ cho các khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh với phạm vi và đối tượng rộng hơn, thay vì giới hạn các khoản nợ phát sinh đến trước 10-6 như trước.
Bên cạnh đó, các khách hàng có khả năng trả nợ nhưng lại không thể đến ngân hàng trả nợ do ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng được tạm hoãn trả nợ đến 7-9.
Thực tế thời gian qua, đặc biệt từ 23-8 đến nay, người dân nhiều địa phương, trong đó có TP.HCM, được yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó", ít nhất cho đến 15-9.
Hơn 300 chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn TP.HCM cũng đóng cửa, gây khó khăn rất nhiều cho các khách hàng đến hạn trả nợ nếu chỉ có tiền mặt mà không có đủ tiền trong tài khoản.
Khi đó khách hàng chỉ còn một giải pháp là nhờ người thân chuyển giùm và trả lại bằng tiền mặt, hoặc đề nghị ngân hàng giãn nợ để không rơi vào nhóm nợ xấu.
Trước đó, theo quy định tại thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước, điều kiện để được xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ là khách hàng phải có đề nghị và được ngân hàng đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều trường hợp khách hàng rơi vào trường hợp này nhưng không thể ký được giấy đề nghị cơ cấu do đang bị cách ly, không được ra khỏi địa phương, có khách hàng nhiễm COVID-19 và đang điều trị bệnh ở bệnh viện.
Do vậy, thông tư mới ban hành đã tháo gỡ những khúc mắc trên. Ngoài ra, thông tư này cũng cho phép kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến 30-6-2022, tức thêm 6 tháng so với thông tư 03.
Cùng với cơ cấu nợ, Ngân hàng Nhà nước cũng cho phép tổ chức tín dụng miễn giảm phí cho khách hàng đến 30-6-2022.
TTO - Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia cho rằng các ngân hàng thương mại cần phải có trách nhiệm chia sẻ với người vay vốn và nền kinh tế.