Xét xử vụ án đơn giản
TAND Tối cao cho biết đã hoàn thiện dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến. Đây là hình thức xét xử qua các thiết bị điện tử được kết nối mạng và hoạt động bằng phần mềm ứng dụng.
Phiên xét xử trực tuyến không bắt buộc bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác phải có mặt tập trung tại một phòng xử án, nhưng vẫn bảo đảm họ theo dõi và tham gia vào cùng một thời điểm.
Theo quy chế xét xử do TAND Tối cao soạn thảo, các phiên tòa, phiên họp trực tuyến phải tuân theo trình tự, thủ tục tố tụng; đảm bảo an toàn thông tin nhưng công khai, bình đẳng, giữ tôn nghiêm.
Dự kiến, xét xử trực tuyến áp dụng với các vụ án hình sự dưới mức đặc biệt nghiêm trọng (hình phạt dưới 15 năm tù), có chứng cứ rõ ràng và bị cáo đang chịu tạm giam. Các vụ dân sự, hành chính có tình tiết đơn giản, đương sự có địa chỉ cư trú rõ ràng cũng có thể được xét xử trực tuyến.
Các vụ án không được mở phiên xử trực tuyến gồm vụ việc liên quan tài sản ở nước ngoài; thuộc trường hợp xử kín hoặc những vụ hình sự liên quan nhóm xâm phạm an ninh quốc gia; các vụ án liên quan chiến đấu, phục vụ chiến đấu của quân đội; các vụ trong nhóm tội chống lại loài người.
Điều kiện xét xử trực tuyến gồm bị cáo, trại tạm giam trong vụ hình sự hoặc đương sự trong các vụ việc hành chính, dân sự có đơn yêu cầu và được viện kiểm sát đồng ý…
Tuy nhiên, xung quanh việc xét xử trực tuyến các vụ án tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính và hình sự trong tình hình mới cũng có nhiều ý kiến tranh luận.
Là một luật sư lâu năm, tham gia bảo vệ trong nhiều vụ án từ hình sự, dân sự đến kinh tế, kinh doanh thương mai…, luật sư Nguyễn Trung Tiệp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) rất ủng hộ chủ trương này: “Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc xét xử trực tuyến một số vụ án hình sự dưới mức đặc biệt nghiêm trọng (hình phạt dưới 15 năm tù), có chứng cứ rõ ràng và bị cáo đang chịu tạm giam; các vụ dân sự, hành chính có tình tiết đơn giản, đương sự có địa chỉ cư trú rõ ràng sẽ giúp giải quyết được một lượng lớn án tồn đọng, kịp thời đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự”.
Cần cân nhắc với án hình sự
Trong khi đó, luật sư Ngô Thạnh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng việc xét xử trực tuyến đối với các vụ án hình sự vì trực tiếp liên quan đến quyền nhân thân của bị can, bị cáo đó.
Là người bào chữa cho nhiều bị cáo trong các vụ án hình sự, luật sư Thạnh nhận thấy một số bị cáo rất dè chừng khai báo trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra; có một số bị can thay đổi lời khai, thậm chí kêu oan với cơ quan điều tra. Do vậy, nhiều bị cáo chỉ mong được ra tòa, đứng trước mặt HĐXX để nói lên sự thật, mong tòa xem xét. Cộng thêm tâm lý bị can, bị cáo muốn được xét xử trực tiếp để gặp người thân, được gặp luật sư; từ đó cho họ những lời khuyên, lời động viên, giúp bình tĩnh và thành khẩn trong quá trình khai báo. Đặc biệt, đối với án hình sự cần phải có việc tranh tụng kỹ lưỡng, tránh oan sai; do vậy mà luật sư Thạnh cho rằng việc xét xử trực tuyến đối với một số vụ án hình sự cũng nên cân nhắc.
“Xét xử trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành cũng là một giải pháp hữu hiệu, vừa đảm bảo công tác xét xử, tránh tồn đọng án; vẫn có thể đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng đáp ứng được việc xét xử trực tuyến. Bản thân tôi thường xuyên trợ giúp pháp lý cho nhiều thân chủ có hoàn cảnh khó khăn, nhất là vùng sâu vùng xa, nhiều người chưa có điện thoại thông minh, máy tính chứ chưa nói đến việc biết sử dụng”, quan điểm của luật gia Trần Quang Hòa (Hòa Bình).
Để có góc nhìn đa chiều xung quanh câu chuyện này, PV Người Đưa Tin đã trao đổi với Thẩm phán Trương Việt Toàn – Phó Chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đối với các vụ án đơn giản thì việc xét xử trực tuyến là hoàn toàn phù hợp, không có vấn đề gì đáng lo ngại.
Tuy vậy, thẩm phán Trương Việt Toàn cũng cho rằng, việc không đủ phương tiện, máy móc, trang thiết bị cho việc xét xử trực tuyến cũng là một hạn chế.
“Nhiều người còn thiếu thốn và chưa biết sử dụng các thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh, nhất là vùng sâu, vùng xa. Đối với những trường hợp này thì lại tiến hành xét xử trực tiếp chứ không thể áp dụng xét xử trực tuyến như Dự thảo của TAND Tối cao”, ông Trương Việt Toàn nêu ý kiến.
Như thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết từ đầu, vì những vụ án dân sự, hình sự được áp dụng hình thức xét xử trực tuyến là những vụ án có tình tiết đơn giản, bị cáo cơ bản nhận tội nên không đáng lo ngại về việc luật sư bào chữa không được quyền tranh tụng kỹ lưỡng, đối đáp qua lại. “Những vụ án hình sự đơn giản, bị can, bị cáo cơ bản nhận tội hết thì còn tranh tụng, đối đáp gì nữa”, thẩm phán Toàn nói.