Theo nguồn tin của PV Lao Động, 14.000 con bò sống từ Brazil sẽ được nhập khẩu về Việt Nam vào cuối tháng 9 này. Hiện lô bò sống đã rời Brazil và đang trên tàu vận chuyển. Việc nhập khẩu lô bò sống rất lớn này có ảnh hưởng đến chăn nuôi trong nước? có đảm bảo cho an toàn chăn nuôi khi trước đó Brazil phát hiện có bệnh “bò điên”?
14.000 con bò sống từ Brazil sẽ về Việt Nam cuối tháng 9.2021
Theo nguồn tin từ tờ Beef Central (Brazil), lô hàng xuất khẩu bò với gần 14.000 con bò sống từ Brazil đang trên đường đến Việt Nam. Toàn bộ 14.000 con bò này được vận chuyển trên tàu MV Nada và đã rời cảng Vila Do Conde (Brazil), dự kiến cập cảng Thị Vải của Việt Nam vào cuối tháng 9.2021. Đây là lần đầu tiên Việt Nam nhập khẩu bò sống từ Brazil theo thỏa thuận xuất khẩu cấp chính phủ 2 nước.
Cũng theo tờ Beef Central, trong nhiều năm qua, Brazil đã có nhiều nỗ lực để có thể xuất khẩu gia súc sống của mình sang Việt Nam.
Trước đây, Việt Nam đã từng nhập khẩu thịt bò Brazil nhưng đến năm 2017 quyết định ngừng nhập vì phát hiện gian lận trong cấp giấy chứng nhận chất lượng thịt. Đến năm 2018, Việt Nam đã xem xét và đặt lại vấn đề nhập khẩu bò Brazil với điều kiện nước này phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhập khẩu bò sống có làm lây bệnh “bò điên” vào Việt Nam?
Điều khiến dư luận lo ngại là, tại sao Việt Nam lại nhập khẩu bò Brazil khi trước đó có “tì vết” gian lận trong cấp giấy chứng nhận chất lượng thịt. Mới đây, Brazil đã dừng xuất khẩu bò khi Brazil xuất sang Trung Quốc thì phát hiện bệnh “bò điên” tại một lò mổ ở Minas Gerais và một trang trại tại Mato Grosso, dù đây là hai trường hợp bò già và không được sử dụng làm thực phẩm.
Ngày 4.9, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil thông báo về việc phát hiện hai trường hợp bệnh “bò điên” ở nước này và quyết định tạm ngừng ngay lập tức việc xuất khẩu thịt bò sang Trung Quốc theo thỏa thuận an toàn thực phẩm đã ký kết giữa 2 bên. Năm 2019, Brazil cũng đã phải dừng các lô thịt bò xuất khẩu sang Trung Quốc sau khi phát hiện trường hợp bệnh “bò điên” ở bang Mato Grosso. Hơn nữa, tại sao nhập bò sống từ Brazil với mức thuế suất 5%, trong khi bò Australia vào Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi là 0%?
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT) cho biết, với số lượng 14.000 con thì là nhập bò thương phẩm.
Về vấn đề bệnh “bò điên” đã xuất hiện ở 2 trang trại chăn nuôi của Brazil, ông Trọng cho rằng: Bệnh “bò điên” rất nguy hiểm, nhưng trong trường hợp cụ thể hiện nay tại Brazil, bệnh chỉ có ở từng vùng và phía Brazil có biện pháp khoanh vùng, quản lý an toàn dịch bệnh. Nên dù Brazil có “bò điên” nhưng nếu nhập khẩu ở những vùng an toàn thì không vấn đề gì, vì Brazil rất rộng lớn.
Hơn nữa, khi nhập khẩu vào Việt Nam, cơ quan thú y 2 nước đều tiến hành kiểm dịch theo quy định của thú y mỗi quốc gia và Tổ chức Thú y Thế giới (OIE). Trước khi nhập về, dù là nhập thương phẩm hay nhập giống thì thú y cũng thực hiện kiểm dịch nơi nuôi, nếu đảm bảo yêu cầu về an toàn dịch bệnh thì mới cho nhập về.
“Cơ quan thú y chắc chắn kiểm dịch, kiểm tra vùng nuôi để đảm bảo an toàn từ vật nuôi được nhập về. Nếu bò được nhập về từ vùng chăn nuôi an toàn, được kiểm dịch thú y đúng quy định thì không đáng lo ngại” - ông Nguyễn Văn Trọng nói.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Trọng, hằng năm Việt Nam vẫn nhập khẩu thịt bò, bò sống từ các nước, trung bình mỗi năm nhập khẩu khoảng vài trăm nghìn con. “Riêng năm 2020 nhập với số lượng tương đối lớn: Khoảng 554.900 con trâu, bò sống tương đương 194,2 nghìn tấn thịt và khoảng 162.000 tấn thịt gia súc. Về mặt phát triển chăn nuôi, Việt Nam đang cố gắng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ, đặc biệt là bò thịt để đến năm 2030 đạt khoảng 10% thịt bò trong tổng sản lượng thịt các loại. Hiện nay, sản lượng thịt bò chỉ mới chiếm khoảng 6% trong tổng sản lượng thịt” - ông Nguyễn Văn Trọng nói.
Thông tin từ Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết: Đến thời điểm này, Tổ chức Thú y Thế giới chưa có thông báo chính thức về trường hợp "bò điên" tại Brazil, nên mọi thông tin đều phải hết sức thận trọng.
Trao đổi với PV Lao Động chiều 6.9, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Vấn đề nhập khẩu bò sống vào Việt Nam đã được 2 nước tiến hành đàm phán từ lâu, theo “gói” 4 sản phẩm gồm bò, dưa vàng, cá tra và tôm.
“Lẽ ra đã ký rồi (Nghị định thư-PV), nhưng do COVID-19 nên chưa ký được. Tuy nhiên, trước khi nhập khẩu bò đã được thẩm tra, thẩm định, Bộ Quốc phòng cũng đã có văn bản cho nhập khẩu thí điểm” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.