Về việc đi lại, hoạt động của người tiêm đủ hai mũi, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 6-9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay: Bộ đang nghiên cứu để thí điểm tại một số địa phương phía Nam, đồng thời tiếp tục có khuyến cáo về bảo đảm phòng chống dịch. Lý do tiếp tục khuyến cáo về bảo đảm phòng chống dịch, theo ông Long, là những người tiêm đủ hai mũi vẫn có khả năng mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác, dù nguy cơ mắc bệnh, chuyển nặng và lây nhiễm cho người khác đã giảm.
Bình Dương đang nỗ lực phủ vaccine cho người dân. Ảnh: LÊ ÁNH
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho rằng Bộ Y tế cần có hướng dẫn rõ ràng hơn về vấn đề này. Theo bà Yến, liên quan đến hiệu quả của vaccine, khả năng lây và nhiễm bệnh của người đã tiêm đủ hai mũi đến nay số liệu chưa có nhiều, chưa đầy đủ cho nên các địa phương đang đợi sự hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cũng chia sẻ: “Điều này chỉ mới nằm trong suy nghĩ thôi. Bởi vì số lượng người tiêm vaccine đủ hai mũi của TP còn khá ít mà hầu hết thuộc đối tượng tuyến đầu chống dịch; còn lượng tiêm cho người sản xuất, kinh doanh chưa nhiều. Do đó, việc này phải chờ ngành y tế tham mưu”.
Bà Yến cho biết hiện nay Đà Nẵng đã tiêm hai mũi cho hơn 60.000 người và gần 200.000 người đã được tiêm mũi 1.
Tại cuộc họp về giải pháp khống chế dịch ở Đồng Nai hôm 6-9, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho hay sắp tới tỉnhnày sẽ thực hiện công dân vaccine. Theo đó, công dân nào tiêm đủ vaccine thì ra đường, dân được tiêm càng nhiều thì xã hội nhanh trở lại trạng thái bình thường mới.
“Để chuẩn bị cho một xã hội được tiêm vaccine và công dân được đi lại thì chúng ta phải đẩy mạnh tiêm ít nhất 100.000 mũi/ngày. Trong 10 ngày tới phải hoàn thành cho được 1 triệu mũi vaccine cho dân. Nếu không làm được hai vấn đề này, chúng ta sẽ mất thêm 15 ngày nữa để giãn cách xã hội, như vậy sẽ tốn kém nhiều hơn, mất đi cơ hội” - ông Lĩnh nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, cũng trong một cuộc họp gần đây, có đề cập đến phương án người dân được ra đường khi đã tiêm vaccine.
Cụ thể, sẽ cấp thẻ xanh đối với người được tiêm hai mũi vaccine, cấp thẻ vàng cho người được tiêm một mũi vaccine. Tuy nhiên, người được cấp thẻ vàng phải có thêm giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 thì mới được lưu thông.
Một lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết đây là phương án đề xuất của lãnh đạo tỉnh nhưng vẫn chưa có quyết định cụ thể. Việc này vẫn đang trong giai đoạn đề xuất, chủ trương nên vẫn chưa có phương án cụ thể.
Theo vị này, nếu thực hiện nội dung trên, tỉnh sẽ giao cho công an tỉnh phối hợp với Sở Y tế nghiên cứu thật kỹ để khi thực hiện sẽ có sự đồng thuận, đồng nhất. Đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh và tránh gây phiền hà, bức xúc trong người dân.