Ban đầu, bà N.T.C.H. (50 tuổi, tạm trú Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng mình chỉ bị cảm cúm thông thường khi xuất hiện triệu chứng đau, nhức mỏi khắp cơ thể. Tuy vậy, bà vẫn ý thức tự cách ly, chỉ ở trong nhà không dám đi đâu. Nhưng các cơn đau kéo dài, cảm thấy không chịu nổi nữa, gia đình quyết định đưa H. đi bệnh viện.
Hai nơi từ chối điều trị, cả nhà vô vọng
Tối 30/7, chồng bà H. đưa vợ đến một bệnh viện tư nhân tại Q.Phú Nhuận (TP.HCM) trong tình trạng lơ mơ kèm tiền sử bệnh nhân bị rối loạn tiền đình. Vì có tham gia bảo hiểm y tế tại đơn vị này, bà H. không thể tưởng tượng được rằng mình đã bị từ chối thẳng thừng.
"Họ yêu cầu tôi xét nghiệm COVID-19. Khi có kết quả dương tính, bệnh viện thu tiền test rồi bảo chúng tôi về nhà tự điều trị vì tại đó không tiếp nhận bệnh nhân COVID-19. Tôi thật sự suy sụp", bà H. kể.
Ông xã chở tiếp tục chở bà đến một bệnh viện công khác ở Q.5 "cầu may". Nhưng bà cũng không thể nhập viện vì ở đây đã kín giường. Trong sự hoảng loạn, hai vợ chồng chỉ biết quay đầu về nhà với sự lo sợ mình sẽ lây cho mọi người trong gia đình.
Khoảng 5 ngày sau, miệng bà H. bắt đầu khô rát, mất vị giác, tiêu chảy, đau nhức toàn thân không ăn uống gì được. Thời điểm này, gia đình lại nhận thêm hung tin chồng và người giúp việc của bà H. dương tính. Đây là hai người túc trực chăm sóc từ khi bà mới phát hiện bệnh.
Sự lo sợ của bà H. và cả nhà trước đó đã thành sự thật vào tuần lễ tiếp theo, tất cả 25 thành viên trong gia đình - từ người mẹ già năm nay đã 75 tuổi của bà cho đến các anh chị em, con cháu, trong đó nhỏ tuổi nhất là đứa cháu mới lên 2 - đều đã mắc COVID-19. Đáng ngại nhất trong 25 ca F0 này là cụ bà ngoài 70 với nhiều bệnh lý nền và một người đàn ông 54 tuổi có bệnh lý gan nặng.
Cả nhà nằm la liệt, bò lê bò càng tự chăm sóc nhau. Cảm thấy bầu trời như đổ sập trước mắt bởi thần chết đang hiện diện giữa gia đình, bà H. quyết định nhờ một cộng sự tìm cách giúp đỡ.
Gia đình năm thế hệ của bà H. trước đại dịch COVID-19. Ảnh do gia đình cung cấp
Ngày 7/8, bà H. được Bệnh viện đa khoa Hồng Đức (32/2 Thống Nhất, P.10, Q.Gò Vấp, TP.HCM) đồng ý tiếp nhận điều trị. Bệnh nhân nhập viện cấp cứu tại trong tình trạng mất điều khiển toàn thân.
"Trong mê man, tôi vẫn có thể nghe được tiếng cô điều dưỡng và vị bác sĩ nói chuyện. Họ trao đổi gì đó rồi bảo nhau "sợ gì nữa, bây giờ cứu người mới là quan trọng". Khi nghe như vậy thì tôi biết mình đã được cứu rồi", bà H. xúc động. Bà được xử trí đo lượng oxy trong máu, đo nhịp tim và theo dõi tích cực.
Hôm sau, bà H. tiếp tục đề nghị bệnh viện nhận thêm 4 người nhà khác nhập viện điều trị COVID-19. Các bác sĩ phát hoảng khi biết còn những 20 thành viên khác trong gia đình bà H. vẫn còn đang ở nhà với các triệu chứng của F0. Ngay lập tức, bệnh viện cử nhân viên đến kiểm tra.
Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức đến làm xét nghiệm COVID-19 khi hay tin còn 20 thành viên khác đang còn vất vưởng ở nhà. Ảnh do gia đình cung cấp
Sau khi xác định đúng kết quả dương tính, dù đồng ý cho tất cả nhập viện nhưng bệnh viện lại vướng một trở ngại không nhỏ. Đó là trường hợp cháu bé 2 tuổi. Bởi muốn tiếp nhận, bệnh viện phải bảo đảm các điều kiện chăm sóc chuyên khoa nhi. Thời điểm này, bệnh viện đang thiếu bác sĩ nhi.
25 người may mắn nhờ liệu pháp tâm lý cách ly điều trị cùng nhau
Nhưng trước sự nài nỉ của gia đình, cuối cùng không ai bị bỏ lại. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Lê Văn Hoài - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức - cho hay, trường hợp gia đình bà H. quá đặc biệt vì số lượng bệnh nhân đông nhất từ trước đến nay cùng lúc nhập viện do COVID-19.
Trường hợp cháu bé 2 tuổi, theo bác sĩ Hoài, dù khó khăn về nhân lực, nhưng bệnh viện quyết định tiếp nhận vì nhận định rằng trẻ cần được nhập viện chung với cha mẹ để bảo đảm tâm lý điều trị được tốt nhất.
Đó cũng là điều mà cả nhà bà H. đã trải qua và cảm nhận được tương tự. Cả nhà được ngày ngày trông thấy nhau, người này biết rõ tình trạng người kia và an tâm trong suốt quá trình điều trị. Nhờ vậy, tâm lý của họ thật vững vàng.
Trường hợp gia đình bà H. khá đặc biệt vì đây là trường hợp có số lượng bệnh nhân đông nhất từ trước đến nay cùng lúc nhập viện do COVID-19
Điều các bác sĩ quan ngại nhất là cụ bà 75 tuổi và một người đàn ông 54 tuổi mắc COVID-19 trên nền bệnh lý gan khá nặng. "Đây là thử thách lớn và khá căng thẳng của chúng tôi, nhưng cũng thật sự may mắn. Tất cả họ đã vượt qua mà không có trường hợp nào chuyển nặng, phải nhập hồi sức tích cực ICU", bác sĩ Hoài nói.
Sau 6 ngày nhập viện, từ một bệnh nhân nặng nhất, bà H. đã có thể ngồi dậy phụ chăm sóc các thành viên khác nằm điều trị chung, nhất là người mẹ già của mình.
Đến ngày 21/8 vừa qua, kết quả xét nghiệm khẳng định âm tính, lần lượt các bệnh nhân trong gia đình đã được xuất viện song song lời dặn dò của bệnh viện: phải khai báo y tế tại địa phương và tiếp tục cách ly tại nhà trong 14 ngày, từ 22/8.
Bác sĩ Hoài cho biết thêm, từ trường hợp nhà bà H., bệnh viện đã lên phương án liên kết các địa phương để có thể khám, tư vấn từ xa tại nhà. Bởi vấn đề lớn nhất của người F0 tại nhà chính là tâm lý được tiếp cận với nhân viên y tế. Dù qua bất cứ hình thức nào, khi được nghe lời khuyên "ngay bên cạnh" mình, người F0 sẽ thấy yên tâm thắng vượt dịch bệnh.
Tất cả các thành viên trong gia đình nhà bà H. đều dần hồi phục
Về phần mình và gia đình đang tiếp tục cách ly tại nhà, bà H. tâm sự: "Tất cả 25 mạng người trong nhà tôi đã qua cửa tử là một hạnh phúc lớn lao. Gia đình rất biết ơn bác sĩ, điều dưỡng bệnh viện đã chăm sóc, theo dõi, kéo chúng tôi về từ cõi chết. Điều quan trọng nữa tôi nhận ra, đó tinh thần của chúng tôi".
Như đã nói, khi những người thân được cùng điều trị chung là yếu tố quyết định sự sống còn trước virus. Bởi theo bà H., dù không biết chết sống ra sao, nhưng thấy mọi người trong nhà cùng nhau chiến đấu đến phút cuối là cảm thấy an tâm rồi.
Tình cảm gia đình năm thế hệ của bà H. trong hoàn cảnh tử sinh đã giúp họ sống và cùng nhau thổi bùng ngọn lửa yêu thương nhằm "thiêu cháy" COVID-19.
ĐOÀN VỆ QUỐC
DOANH NGHIỆP VÀ TIẾP THỊ