Như chúng tôi đã thông tin, ngày 7/9/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong đó, điểm nổi bật nhất của Thông tư số 14 là NHNN cho phép các ngân hàng kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng so với quy định cũ, tới 30/6/2022.
Sau khi thông tư mới được ban hành, câu hỏi đặt ra với không ít nhà đầu tư và khách hàng, rằng ai sẽ là người được hưởng lợi?
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Dương, chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán Pinetree cho biết, Thông tư 14 được ban hành nhằm mục đích hỗ trợ trực tiếp cho nhóm đối tượng là các khách hàng vay tiền của ngân hàng đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, chứ không phải nhằm hỗ trợ các ngân hàng để có lợi nhuận cao trong 2 quý cuối năm như nhận định và kỳ vọng của một số nhà đầu tư.
Cụ thể là nội dung Thông tư 14 xoay quanh việc mở rộng phạm vi các đối tượng khách hàng được hỗ trợ và mở rộng các công cụ mà các ngân hàng có thể sử dụng để hỗ trợ cho các khách hàng này. Còn về phía các ngân hàng, Thông tư 14 không điều chỉnh tiến độ trích lập dự phòng, tức là các ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện trích bổ sung phần chênh lệch theo tiến độ cũ, tối thiểu là 30%, 60% và 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung trong các năm 2021, 2022 và 2023.
"Ở đây nếu để ý, thời gian cơ cấu nợ cho khách hàng được kéo dài thêm 6 tháng, đến tháng 6/2022, nhưng tiến độ trích bổ sung dự phòng của ngân hàng vẫn như cũ, điều này củng cố thêm đánh giá của tôi về mục đích chính của Thông tư 14 là hỗ trợ khách hàng chứ không phải hỗ trợ ngân hàng" - ông Nguyễn Đình Dương nhấn mạnh.
Tất nhiên, chuyên gia của Pinetree cũng chỉ ra rằng, các ngân hàng sẽ ít nhiều được hỗ trợ "gián tiếp" vì số liệu nợ xấu trên báo cáo tài chính cuối năm sẽ ít hơn, trích lập dự phòng trong năm cũng sẽ ít hơn.
Khi được hỏi, liệu thông tư 14 có tác động tích cực lên cổ phiếu ngân hàng hay không, vị chuyên gia phân tích cho rằng sự hỗ trợ này là chưa đủ lớn để trở thành động lực tăng giá cho cổ phiếu ngành ngân hàng trong thời gian tới.
Hằng Kim
Nhịp sống kinh tế
Xem thêm: nhc.22491311180901202-tahn-iol-gnouh-es-ia-10-ut-gnoht-aus-cuht-hnihc-nnhn/nv.zibefac