Ông Mullah Hassan Akhund (phải), vừa được bổ nhiệm vào chính quyền mới của Afghanistan, gặp Thủ tướng Nawaz Sharif của Pakistan vào năm 1999 - Ảnh: AFP
"Chúng tôi sẽ cố đưa người từ những phần khác của đất nước (vào chính phủ)" - Hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn Zabiullah Mujahid của Taliban.
Lực lượng này cho biết chính phủ mới chỉ là lâm thời, nhưng chưa rõ chính phủ này sẽ tồn tại trong bao lâu và cũng chưa có nước nào thừa nhận.
Dưới đây là một số lãnh đạo của Taliban:
Lãnh tụ tối cao Mullah Haibatullah Akhundzada
Một trong những bức ảnh hiếm hoi của ông Mullah Haibatullah Akhundzada - Ảnh: REUTERS
Chính quyền mới của Afghanistan sẽ nằm dưới sự chỉ huy của lãnh tụ tối cao Mullah Haibatullah Akhundzada của Taliban.
Theo Hãng tin Reuters, có rất ít thông tin về ông Akhundzada ngoại trừ một vài thông tin hiếm hoi như nhân vật này khoảng 60 tuổi và có con trai là một kẻ đánh bom liều chết.
Một số nhà nghiên cứu về Taliban cho rằng Akhundzada đóng vai trò chỉ đạo, hàn gắn các chia rẽ trong lực lượng này và ứng phó với các đồng minh cũng như kẻ thù quốc tế.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng ông Akhundzada chỉ là nhân vật nắm quyền trên danh nghĩa, còn quyền lực thực sự thuộc về các bè phái quân sự của Taliban.
Quyền Thủ tướng Mullah Hasan Akhund
Ông Mullah Hasan Akhund - Ảnh: India Express
Ông Mullah Hassan Akhund là một nhân vật có tầm ảnh hưởng trong Taliban. Ông từng giữ vai trò ngoại trưởng và phó thủ tướng khi nhóm này cầm quyền Taliban trước năm 2001.
Đây là một nhân vật bảo thủ, từng quyết định cấm phụ nữ đi học, thực thi phân biệt giới tính và nghiêm ngặt về trang phục tôn giáo.
Sau khi Taliban bị lật đổ ở Afghanistan giai đoạn sau năm 2001, ông Hassan Akhund chủ yếu hoạt động tại Pakisan với nhiệm vụ định hướng tôn giáo và tinh thần cho các chiến binh Taliban.
Theo giới quan sát, việc bổ nhiệm ông Hassan Akhund là một quyết định nhượng bộ với mạng lưới Haqqani, cánh tay đắc lực của Taliban, do căng thẳng chính trị giữa nhóm này với nhà lãnh đạo Mullah Abdul Ghani Baradar của Taliban.
Ông Hasan Akhund nằm trong danh sách trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) từ đầu năm 2021.
Quyền Phó thủ tướng Mullah Abdul Ghani Baradar
Ông Mullah Abdul Ghani Baradar - Ảnh: REUTERS
Ông Mullah Abdul Ghani Baradar được bổ nhiệm làm cấp phó của ông Hassan Akhund dù được coi là một lãnh đạo sừng sỏ của Taliban.
Theo Hãng tin Reuters, ông Baradar là người tham gia đàm phán ở Qatar về việc Mỹ rút quân và là gương mặt của Taliban đối với thế giới bên ngoài.
Ông Baradar là đồng sáng lập và là chỉ huy cấp cao của Taliban trong cuộc chiến chống lại Mỹ. Nhân vật này từng bị bắt giữ ở Pakistan năm 2010, sau khi được thả năm 2018 trở thành lãnh đạo văn phòng chính trị Taliban ở Doha.
Ông Baradar cũng nằm trong danh sách khủng bố của LHQ.
Quyền Bộ trưởng Nội vụ Sirajuddin Haqqani
Ảnh ông Sirajuddin Haqqani trong thông báo truy nã của FBI - Ảnh: FBI
Ông Sirajuddin Haqqani là con trai của nhà sáng lập mạng lưới Haqqani, một nhóm bị Mỹ xếp vào danh sách khủng bố, và là nhân vật bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) truy nã gắt gao liên quan đến các vụ tấn công liều chết và mối quan hệ với nhóm Al Qaeda.
Ông Haqqani là một trong các lãnh đạo của Taliban chịu trách nhiệm các cuộc tấn công vũ trang nhắm vào lực lượng Mỹ và liên quân.
Nhân vật này được cho là đã từng bị Mỹ không kích nhưng sống sót. FBI đã treo thưởng 5 triệu USD cho ai cung cấp thông tin giúp bắt giữ ông Haqqani.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mullah Yaqoob
Ông Mullah Yaqoob - Ảnh: Twitter
Ông Mullah Yaqoob là con trai của nhà đồng sáng lập Taliban, Mullah Omar, và là một lãnh đạo quân sự quan trọng của nhóm này.
Năm 2016, ông Mullah Yaqoob được chọn là người đứng đầu sứ mệnh quân sự của Taliban tại 15 trên 34 tỉnh của Afghanistan và trở thành chỉ huy quân sự vào năm 2020.
Là một nhân vật được đánh giá "ôn hòa", ông Yaqoob là người ủng hộ đàm phán dàn xếp cuộc chiến tại Afghanistan.
Quyền Ngoại trưởng Amir Khan Muttaqi
Ông Amir Khan Muttaqi - Ảnh: Tolo News
Ông Amir Khan Muttaqi là thành viên tham gia đàm phán hòa bình với Mỹ tại Qatar năm ngoái dưới thời cựu tổng thống Donald Trump.
Trước đó, ông từng giữ vị trí bộ trưởng văn hóa thông tin, bộ trưởng giáo dục khi Taliban cầm quyền ở Afghanistan.
Theo một số thông tin, ông Muttaqi đã thảo luận việc để các quan chức thuộc chính quyền cũ ở Afghanistan tham gia chính quyền mới sau khi Taliban kiểm soát Kabul. Ông cũng chủ trương đàm phán tại các tỉnh và kêu gọi dàn xếp với lực lượng kháng chiến ở Panjshir.
TTO - Lực lượng Taliban đã công bố các gương mặt lãnh đạo trong chính phủ lâm thời giữa lúc các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Kabul. Đúng như dự kiến, chính quyền mới gồm toàn người của Taliban.
Xem thêm: mth.96285850180901202-gno-nad-naot-nabilat-auc-ioht-mal-uhp-hnihc/nv.ertiout