Tối 6-9, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi đã đăng đàn đối thoại trực tuyến về những định hướng, kế hoạch của TP trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 sau ngày 15-9. Cuộc đối thoại cho thấy chính quyền mong muốn được lắng nghe, chia sẻ từ người dân TP và cả nước.
Cuộc livestream đã thu hút hàng trăm ngàn lượt xem, hàng trăm ngàn bình luận; mỗi bình luận là một câu chuyện, một mãnh đời; hàng chục ngàn tương tác cảm xúc, từ thích, yêu, quan tâm, bức xúc đến ngạc nhiên; và hàng ngàn chia sẻ (share) …
Có lẽ đó chỉ là “phần nổi của tảng băng”, nhưng cũng đủ để TP mường tượng một bức tranh tổng quát về lòng dân ở TP hiện nay, từ vấn đề gói an sinh, chăm sóc y tế, tiêm vaccine, cung ứng nhu yếu phẩm, đến các vấn đề vĩ mô hơn như tính toán chính sách mở cửa, công tác phòng, chống dịch của TP trong những tuần tiếp theo.
Trước đó, Chính phủ, Bộ TT&TT cùng chính quyền TP đã và đang đưa báo in miễn phí đến tất cả trên 300 phường, xã trên địa bàn TP mỗi ngày. Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM tổ chức họp báo vào 16 giờ mỗi ngày để chuyển tải thông tin, cấp nhật tình hình, kết quả về công tác phòng, chống dịch của TP và giải đáp các điểm nóng dư luận mà người dân quan tâm tại TP.HCM. Cùng với người phát ngôn của Ban chỉ đạo, thành phần họp báo cũng rất đa dạng với sự tham gia thường xuyên của một lãnh đạo chuyên trách của Ban Tuyên giáo Trung ương- ông Lê Hải Bình, Phó trưởng Ban tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo các sở, ban ngành chuyên trách và đại diện của Công an TP ... Cùng đó là những buổi thị sát, đối thoại của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo TP.HCM xuống tận cấp cơ sở...
Rất khó để lắng nghe hết, cảm nhận hết lòng dân giữa lúc nhu cầu nắm bắt thông tin, phản ánh khó khăn, khúc mắc đến chính quyền của người dân rất cao. Rất khó để cùng lúc giải quyết tất cả những nhu cầu về thông tin, vaccine, vật chất lẫn tinh thần của hàng triệu người dân khi dịch dã hoành hành, nguồn lực của TP là hữu hạn dù đã dốc sức. Rất khó để đưa ra những quyết sách đối với SARS-CoV-2 một cách cố định, trong khi chủng Delta đang bất định và thế giới vẫn còn quá nhiều tranh cãi.
Tuy nhiên, khi cái khó đó được chính quyền TP thông tin sớm đến người dân, dù trên báo chí, mạng xã hội hay những lần gặp gỡ trực tiếp thì mọi chuyện sẽ dễ hơn rất nhiều, bởi dân có hiểu thì họ mới đồng hành cùng nhà nước trong cuộc chiến khốc liệt này. Và để làm điều đó, không gì tốt hơn bằng một chiến lược “truyền thông an dân”. Nói như ông bà xưa, rằng: “mích lòng trước, đặng lòng sau”. Còn nói như giới chuyên gia truyền thông thì đó là “truyền thông dẫn đường cho chính sách, chứ không phải biện bạch (cho sai lầm) chính sách”. Điều đó gợi ý rằng trong chiến lược “truyền thông an dân”, những chương trình như livestream hôm 6-9 và trước đó; những thông tin từ TP trên tất cả các diễn đàn, từ báo chí đến mạng xã hội là cực kỳ quan trọng.
Trước hết đó là cách chuyển đi lời cam kết: Chính quyền TP đang lắng nghe (bức xúc, góp ý của) người dân và sẽ nỗ lực thay đổi để mọi thứ trở nên hiệu quả hơn. Đó vừa là cơ sở để người dân vừa an tâm, vừa giám sát hành động của chính quyền. Trong khi đó, chính quyền TP có thể tranh thủ sự ủng hộ của người dân để quyết liệt thực hiện lời hứa của mình. Làm tốt “an dân” còn có thể điều chỉnh hành vi ứng xử của người dân và doanh nghiệp để giảm lây lan dịch bệnh; lan tỏa thông tin chính thống để áp đảo tin đồn, tin giả.
Có thể vẫn còn nhiều người dân có thể chưa thỏa mãn về nội dung của chương trình livestream hôm 6-9. Điều đó quan trọng, nhưng chưa quan trọng bằng việc TP sẽ tiếp tục dũng cảm, thẳng thắn trao đổi, chia sẻ và chuyển đi những thông điệp chân thành, thấu hiểu cùng các cam kết và hành động tích cực đến nhân dân. Khi truyền thông đủ sức “an dân” thì thiết nghĩ… “khó vạn lần dân liệu cũng xong”.