Hai trong số các chuyên gia dịch tễ hàng đầu của WHO đã chính thức chỉ trích các nước có thu nhập cao trong buổi hỏi đáp trực tuyến của tổ chức này. Đây không phải lần đầu tiên WHO lên tiếng về sự bất bình đẳng toàn cầu trong tiêm chủng Covid-19 kể từ khi vắc xin được tiêm vào mùa đông năm ngoái.
Tuy nhiên, những lời kêu gọi phân phối vắc xin công bằng hơn cho các nước thu nhập thấp của WHO có vẻ không mấy hiệu quả. Ngay cả khi các nước giàu có đủ vắc xin để tiêm thêm các mũi tăng cường, tỷ lệ tiêm chủng ở các nước nghèo vẫn vô cùng thấp.
Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO, chỉ trích: "Điều này không chỉ là bất công, không chỉ là vô đạo đức mà còn đang kéo dài đại dịch. Nó đang dẫn đến cái chết của nhiều người".
Hôm 4/8, WHO đã đề nghị các nước giàu hoãn tiêm mũi tăng cường, ít nhất là trong 2 tháng, để thúc đẩy tiêm chủng ở các nước nghèo hơn thông qua phân phối lại vắc xin. Họ hy vọng rằng 10% dân số của mọi quốc gia sẽ được tiêm chủng vào cuối tháng 9. Tổ chức này cũng kỳ vọng tiêm vắc xin được cho 40% dân số thế giới vào tháng 12. Tuy nhiên, lời kêu gọi ít có tác dụng.
Mỹ, quốc gia đã tiêm chủng cho gần 60% dân số, đã tiêm mũi nhắc lại cho hơn 1,3 triệu người. Liên minh châu Âu, khu vực đã tiêm chủng cho khoảng 57% dân số, cũng đang tiêm các mũi tăng cường ở Pháp và Anh.
Trong khi đó, ở châu Phi, tỷ lệ người tiêm chủng đầy đủ mới là 3% dân số và 26 quốc gia trên lục địa này có số vắc xin rất thấp. Với tốc độ tiêm chủng hiện tại, WHO cho biết gần 80% các quốc gia châu Phi sẽ không thể đạt mục tiêu tiêm chủng cho 10% dân số dễ bị tổn thương của họ vào cuối tháng này.
Ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, nói rằng: "Các bài hùng biện nghe rất hay. Người ta nói về sự sẻ chia, về sự công bằng. Tuy nhiên, trên thực tế, khi bị đẩy vào tình cảnh dịch bệnh, những sản phẩm này có sẵn, được tích trữ ở một số nước và không được chia sẻ cho những nước đang thiếu".
Vấn đề mất cân bằng vắc xin đang ngày càng trở thành chủ đề nóng bỏng ở thời điểm biến thể Delta bùng phát khắp thế giới. Cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark, người đang là đồng chủ tịch một hội đồng độc lập do WHO thành lập, cũng chỉ trích các nước giàu khi họ đưa ra cam kết chia sẻ vắc xin nhưng lại thực hiện chúng chưa khá hạn chế.
Trong cuộc họp với các Bộ trưởng Y tế G20 vừa diễn ra, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus dẫn báo cáo cho biết trong số 5 tỷ liều vắc xin được cung cấp trên toàn cầu, 75% số đó đổ về 10 quốc gia giàu có. Chính vì vậy, việc phân phối lại là vô cùng cần thiết để ngăn chặn đại dịch.
Các chuyên gia y tế đều khẳng định rằng cần tiêm chủng rộng hơn để ngăn chặn sự xuất hiện của các biến thể Covid-19 mới cũng như thanh toán đại dịch trên toàn cầu. Việc càng nhiều người mắc Covid-19 thì nguy cơ xuất hiện biến thể với khả năng lây nhiễm mạng và độc lực cao càng lớn. Thậm chí, những biến thể mới còn có khả năng kháng các loại vắc xin hiện hữu.
Trong khi đó, phân tích của Airfinity cho thấy các nước giàu sẽ thừa 1,2 tỷ liều vắc xin vào cuối năm nay. Lượng này vẫn dư thừa, ngay cả khi tính đến các mũi tiêm tăng cường của các nước giàu có.
Tham khảo: CNBC