Sáng 8-9, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương để triển khai công tác ứng phó với bão Conson và mưa lũ lớn trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp.
Một nội dung đáng chú ý được lãnh đạo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và các địa phương hết sức quan tâm, đó là việc phòng chống thiên tai trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp ở nhiều địa phương.
Vấn đề này, đại diện Bộ Y tế cho biết đã ban hành công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh - Bình Thuận, các đơn vị trực thuộc trong khu vực có thể bị bão đổ vào hoặc ảnh hưởng.
Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp trực tuyến.
Trong công văn này, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị nêu trên thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch COVID-19.
Trong đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão Conson, tình hình mưa lũ để kịp thời cập nhật các phương án, ứng phó kịp thời trong tình huống mưa bão, lũ lớn, đồng thời đảm bảo công tác cấp cứu, thu dung, điều trị phòng chống dịch bệnh cho nhân dân không bị gián đoạn…
Sau khi nghe phát biểu của đại diện Bộ Y tế, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đặt câu hỏi: "Vậy nếu bão đổ bộ ở khu vực vùng đỏ, nơi mà người dân phải thực hiện ai ở đâu ở yên đó thì có được phép sơ tán dân, và sơ tán dân thì phải đảm bảo điều kiện như thế nào?".
Đại diện Bộ Y tế cho biết, vấn đề này tùy theo tình huống thực tế. Trong tình huống bão lũ như thế này thì công tác đảm bảo an toàn cho người dân thì cần đặt trên hết.
Những khu vực nào không đảm bảo an toàn chúng ta vẫn bắt buộc phải sơ tán đến những nơi an toàn. Những nơi sơ tán đến cũng phải đảm bảo các điều kiện của cách ly để phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ngoài bão Conson còn có bão Chanthu đang phát triển mạnh, có thể lên cấp siêu bão ở gần Biển Đông. Ảnh: VNDMS
Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết ngoài công văn 7439 đã gửi các Sở Y tế địa phương thì Bộ cũng đang dự kiến các tình huống có thể xảy ra để lên phương án. Hiện các phương án đang trình lãnh đạo Bộ cho ý kiến và sẽ sớm có văn bản hướng dẫn gửi các địa phương để triển khai.
Tại cuộc họp, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết toàn tỉnh đang có 114 xã phường thuộc 6 huyện, thị xã, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng.
Trong đó, có huyện Nga Sơn là huyện ven biển đang phải thực hiện giãn cách theo chỉ thị 15. Trong huyện Nga Sơn có thị trấn Nga Sơn và xã Nga Trung đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16.
"Đây cũng là khó khăn về phương án sơ tán dân đối với địa phương, như vấn đề lựa chọn phạm vi sơ tán, sàng lọc các đối tượng để sơ tán và bố trí các lực lượng phục vụ cho khu cách ly, khu sơ tán" - lãnh đạo Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết.
Kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi và có bản tin dự báo kịp thời, chính xác. Ông Hoài cũng đề nghị Bộ Y tế sớm có hướng dẫn về phòng chống thiên tai trong điều kiện dịch bệnh.
Các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sẵn sàng ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tại công điện số 1107 ngày 31-8 và văn bản số 1100 ngày 23-8. Đặc biệt là phương án sơ tán đảm bảo an toàn thiên tai và an toàn phòng, chống dịch cho các địa điểm sơ tán, khu cách ly…
Sau bão số 5 (Conson) sẽ tiếp đến bão Chanthu Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo đêm nay, 8-9, bão Conson sẽ đi vào Biển Đông, thành cơn bão số 5 năm 2021. Ngoài cơn bão này còn có một cơn bão khác tên Chanthu đang hoạt động ở phía ngoài, nên hướng di chuyển của bão Conson sẽ có những thay đổi nhất định. Theo ông Khiêm, với kịch bản xấu nhất, nếu bão Conson tiếp tục theo hướng di chuyển hiện nay, bão sẽ đi vào các tỉnh Bắc Trung bộ và nam đồng bằng Bắc bộ gây mưa lớn trên đất liền, từ 200-300mm. |