Hàng loạt Hiệp hội, ngành hàng đã kiến nghị Chính phủ cho áp dụng chính sách ưu đãi thuế, phí... để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19.
Dịch bệnh gây đứt gãy chuỗi sản xuất
Theo đại diện các hiệp hội thuộc các ngành hàng như nhựa, điện tử da giày - túi xách, giấy và bột giấy, điện tử, sữa, chè, thủy sản..., trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp và kéo dài như hiện nay, tại nhiều tỉnh thành trọng điểm của các ngành hàng, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Bước sang tuần đầu của tháng 9.2021, các ngành hàng liên quan đến xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động đã chạm ngưỡng áp lực có thể chịu đựng - với nguy cơ đứt gãy, khó khăn để phục hồi sản xuất nếu chưa có các “nới lỏng” sản xuất an toàn và bắt đầu phục hồi sản xuất trước ngày 15.9.2021. Các doanh nghiệp dù sản xuất cầm chừng được theo “3 tại chỗ” (15-20% số các nhà máy) hay ngừng sản xuất (80-85% số nhà máy) thì đều chung tình trạng bị gián đoạn nguồn cung nguyên liệu, mất khách hàng, mất thị phần, thiếu hụt lớn nguồn lao động và đặc biệt là phải chịu chi phí lớn.
Ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, trên 50% doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ tại khu vực Đông Nam Bộ đã dừng sản xuất, những doanh nghiệp này đang đối diện nguy cơ phá sản.
"Mặc dù các ngân hàng đã công bố mức giảm lãi từ 0,3-1,5% cùng các gói tín dụng ưu đãi khác; nhưng với mức giảm này là không đáng kể so với thiệt hại. Hiện tại, doanh nghiệp hiện cũng chưa được hưởng bất cứ ưu đãi nào khác..." - ông Đỗ Xuân Lập nói.
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa), trong ngắn hạn, từ 3 đến 6 tháng tới, các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ cần cố gắng giữ chân khách hàng và giữ nguồn thu, cố gắng bảo vệ nguồn đầu vào, đầu ra.
Tiếp đến giai đoạn hồi phục, từ 6-12 tháng tới, sẽ cố gắng quay lại củng cố các dòng thu bền vững từ thay đổi quản lý năng suất lao động và nghiên cứu các cách thức làm việc mới, đồng thời bịt các lỗ hổng do đại dịch COVID-19 tác động vào chuỗi sản xuất ngành gỗ.
Giai đoạn tăng tốc, dự kiến sau 12 tháng tới, các doanh nghiệp chế biến gỗ cần đầu tư nâng cấp công nghệ sản xuất, tăng tốc các dòng thu bền vững từ các sáng kiến mới, cấu trúc lại cách làm việc để tạo ra công ty có sức chống chịu tốt trước những đại dịch hoặc những thách thức xảy ra.
Tuy vậy, để làm được các vấn đề nêu trên, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ trong nhiều vấn đề, đặc biệt là các chính sách tài chính, tài khóa, các hỗ trợ tín dụng thiết thực.
Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch để tăng trưởng sau dịch
Để chung tay với Chính phủ trong chống dịch và hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định sản xuất, vượt qua đại dịch đưa sản xuất lại “bình thường mới”, các hiệp hội đại diện cho hàng chục ngành hàng chủ lực của Việt Nam, trong đó có các “át chủ bài” về xuất khẩu đã đề nghị nhiều giải pháp hỗ trợ, trong đó, cấp thiết nhất là vấn đề tiêm vaccine, khơi thông dòng chảy hàng hóa, thương mại, các chính sách ưu đãi tín dụng, giảm thuế, hoãn thuế…
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Viforest nhấn mạnh: Bộ Tài chính đã có tờ trình số 123/TTr-BTC, trong đó có đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021, nhưng chỉ áp dụng đối với các đối tượng có tổng doanh thu không quá 200 tỉ đồng. Vì vậy, Viforest đề nghị bổ sung đối tượng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với toàn bộ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nằm trong vùng áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Viforest còn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan có liên quan làm việc với các hãng tàu lớn yêu cầu có lộ trình giảm cước phí vận tải biển; có giải pháp khuyến khích phát triển các đội tàu trong nước hoặc và khuyến khích vận tải bằng các hình thức khác như đường sắt liên vận.
Được biết, ngoài một số hiệp hội có thư kiến nghị riêng, 11 hiệp hội và hội – đại diện cho các doanh nghiệp cũng đã có thư kiến nghị chung gửi Chính phủ, đề nghị cho phép không áp dụng các hình thức xử phạt đối với các doanh nghiệp không có khả năng đóng BHXH trong giai đoạn phong tỏa do phải ngừng sản xuất hoặc bị giảm quy mô sản xuất do dịch bệnh COVID-19, đồng thời đề nghị Bảo hiểm y tế chi trả chi phí xét nghiệm COVID-19 cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ khẩn cấp đối với tất cả người lao động đã và đang hoàn thành đầy đủ trách nhiệm đóng BHXH cho đến hiện tại.
Xem thêm: odl.970159-91-divoc-touv-peihgn-hnaod-ed-ohk-og-ihgn-neik-ioh-peih-taol-gnah/et-hnik/nv.gnodoal