Khu liên hợp thể thao quốc gia đã giảm 50% lương nhân viên từ tháng 8-2021 vì hết tiền - Ảnh: KHƯƠNG XUÂN
Khu liên hợp thể thao quốc gia (đơn vị quản lý SVĐ Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch). Trước khi tự chủ tài chính, mỗi năm đơn vị này được bộ cấp kinh phí khoảng 10 tỉ đồng để duy trì hoạt động.
Từ năm 2009, khi được giao thực hiện tự chủ tài chính 100%, mỗi năm, trung bình khu liên hợp thu được 30-60 tỉ đồng tiền cho thuê đất, tổ chức dịch vụ tại đây, vốn là nguồn thu chính.
Tháng 6-2021, trong kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác quản lý, sứ dụng đất đai, tài sản công tại Khu liên hợp thể thao quốc gia, hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại đơn vị này đã được chỉ ra.
Cụ thể, từ năm 2009 đến 2018, khu liên hợp đã để xảy ra sai phạm với số tiền lên tới 777 tỉ đồng. Số tiền sai phạm được xác định là do khu liên hợp đã cho thuê đất khi chưa được đồng ý của cơ quan chức năng, cho thuê đất nhưng để tiền ngoài sổ sách… làm thất thoát nguồn vốn khổng lồ cho Nhà nước.
Sau khi bị thanh tra toàn diện, khu liên hợp bị thu hẹp các hoạt động cho thuê đất đai dẫn đến nguồn thu bị sụt giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, năm 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên một số đơn vị đang thuê đất tại đây phải ngừng kinh doanh khiến họ cũng không thể trả tiền thuê đất cho khu liên hợp.
Một nhân viên khu liên hợp nói với Tuổi Trẻ Online: "Chúng tôi đã bị giảm 50% lương tháng trước và trong các cuộc họp lãnh đạo còn cho biết có thể 4 tháng tới không có lương. Đời sống nhân viên vì thế rất khó khăn, phải tìm đủ cách để kiếm sống".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 8-9, một lãnh đạo khu liên hợp cho biết rước đây khu liên hợp có 156 cán bộ công nhân viên (cả biên chế và hợp đồng), hiện nay còn khoảng 120 người. Một số người đã nghỉ việc, xin chuyển công tác, xin nghỉ việc không lương.
"Bản thân tôi là lãnh đạo cũng bị giảm 50% lương như nhân viên và chưa biết những tháng tới có lương không vì nguồn tiền đã cạn. Nếu thiếu tiền, thậm chí khu liên hợp còn không thể trả được tiền điện, nước...
Hiện một số nhà hàng thuê đất tại khu liên hợp đã đóng cửa vì dịch bệnh, họ xin miễn giảm tiền thuê. Ngay CLB bóng đá Hà Nội thuê trụ sở tại đây cũng xin giảm tiền thuê vì V-League hủy, CLB không tập luyện và thi đấu được", ông nói.
Trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam - Úc diễn ra trên sân Mỹ Đình tối 7-9 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Nâng giá cỏ lên 4-6 lần khi sửa chữa mặt cỏ sân tập Mỹ Đình
Theo thống kê, từ năm 2009 đến nay, khi được giao tự chủ tài chính, nguồn thu trung bình mỗi năm của khu liên hợp lên tới 30-60 tỉ đồng. Dù vậy, đơn vị này đã tiêu sạch tiền làm ra, gần như không có tích lũy.
Trong suốt 12 năm qua, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, khu liên hợp chỉ bỏ ra 53 tỉ đồng để duy tu, bảo dưỡng SVĐ Mỹ Đình và Cung thể thao dưới nước.
Các sửa chữa lớn như: cải tạo khán đài C, D; sửa đường chạy SVĐ Mỹ Đình; thay hệ thống bể bơi nước nóng tại Cung thể thao dưới nước; thay mặt cỏ sân tập 1 và 2… với kinh phí hàng trăm tỉ đồng đều do Nhà nước chi.
Điều đáng nói, trong hầu hết các dự án sửa chữa và mua sắm trang thiết bị của khu liên hợp từ năm 2009 đến 2018 đều bị nâng giá, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng chục tỉ đồng.
Riêng dự án thay mới mặt cỏ sân tập phụ 1 và 2 đã nâng giá cỏ Becmuda (nhập khẩu từ Thái Lan) lên từ 4 đến 6 lần, làm thiệt hại cho nguồn vốn nhà nước.
TTO - Truyền thông Úc đã ví mặt sân Mỹ Đình xấu như… “bãi chăn bò” trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam - Úc diễn ra tối 7-9. Điều này là do đã 10 năm qua mặt cỏ sân Mỹ Đình chưa từng được thay mới.