Cuối tháng 8, mực nước của Biển Hồ Campuchia - hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử, theo kênh Channel News Asia.
Điều này làm gia tăng thêm các lo ngại về hệ sinh thái cực kỳ quan trọng của vùng hạ lưu sông Mekong.
Trái tim của sông Mekong đang cần "hỗ trợ sự sống"
Hiện Biển Hồ Campuchia đang trải qua năm thứ ba liên tiếp trong điều kiện thảm khốc. Các chỉ số ghi nhận ngày 31-8 cho thấy chỉ lượng nước chỉ ở mức 3,86 m, thấp hơn gần 1m so với năm 2020 và chỉ bằng khoảng một nửa mức trung bình vào thời điểm này của các năm trước.
"Vào cuối tháng 8 - thời điểm mà hồ đáng lẽ phải bão hòa về lượng nước và cá, thì mực nước ở đây lại xuống mức thấp nhất lịch sử" - ông Brian Eyler - giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson (Mỹ).
Ông cho biết mực nước ghi nhận vào cuối tháng 8 thấp hơn 80cm so với mức thấp nhất trước đó, và thấp hơn mức trung bình khoảng 4m.
Trái tim của sông Mekong đang cần "hỗ trợ sự sống" - ông nói.
Sông Mekong chảy qua 6 nước, trong đó có Việt Nam. Ảnh: DUCVIEN
Việc nước bị giữ lại ở các con đập nằm dọc theo thượng nguồn sông Mekong là một yếu tố góp phần làm giảm lượng nước chảy vào hồ.
Theo dữ liệu từ Mekong Dam Monitor - một chương trình giám sát mực nước do Washington tài trợ, hơn 12 tỉ m3 nước đã bị giữ lại tại 45 đập ở thượng nguồn kể từ đầu tháng 7.
Biển Hồ có vai trò điều tiết lượng nước của khu vực. Vì thế, càng nhiều nước bị giữ lại thượng nguồn thì các nước hạ lưu lại càng thêm khốn đốn.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng đang tàn phá và đảo ngược các quy luật tự nhiên. Điều này đã đe dọa nghiêm trọng nền nông nghiệp của Campuchia.
Ông Gary Lee - giám đốc chương trình Đông Nam Á của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế cho biết "trái tim của Mekong" cần nhận đủ nước, chất dinh dưỡng và phù sa để duy trì trạng thái khỏe mạnh.
Dựa trên các tiền lệ, các đập ở thượng nguồn sẽ tiếp tục giữ nước trong những tháng tới. Điều này cho thấy việc sớm khắc phục tình hình ở Biển Hồ là không khả thi.
Khi ngư dân không thể đánh cá...
Bên cạnh những tác động đến môi trường và hệ sinh thái, việc thiếu nước còn ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống và hoạt động sinh kế của hàng triệu người sống dựa vào hồ này. Tình hình đã trở nên tồi tệ hơn do đại dịch COVID-19.
Theo chuyên gia Oudom Ham - nhà tư vấn độc lập của Campuchia về biến đổi khí hậu và các vấn đề sông ngòi, đánh bắt cá không còn là nghề kiếm thu nhập khả thi như trước đây nữa. Điều này buộc người dân địa phương phải chuyển đến các khu vực đô thị để làm công nhân xây dựng với mức lương thấp và điều kiện làm việc rất nguy hiểm.
Một đoạn sông Mekong chảy qua Thái Lan. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Thông thường, thu nhập mỗi ngày từ việc đánh bắt cá vào mùa mưa trước đây có thể gần gấp đôi so với tiền lương làm công nhân.
"Bây giờ, họ thậm chí không thể đánh bắt cá để ăn. Họ cần phải mua, điều này thật nực cười vì họ là ngư dân nhưng họ không thể tìm được cá cho mình" - ông nói.
Bên cạnh đó, việc đánh bắt bất hợp pháp và chiếm đất xung quanh các khu vực rừng ngập nước cũng đang làm phức tạp thêm vấn đề.
Theo ông Oudom, mọi thứ diễn ra quá nhanh đã khiến khả năng phục hồi của sông này giảm dần.
Đề xuất giải pháp
Hiện đang có các tranh cãi giữa các nước hạ nguồn và thượng nguồn xung quanh việc quản lý nguồn tài nguyên chung của sông Mekong.
Theo chuyên gia Oudom: "Các thách thức và vấn đề lớn hiện tại là do các con đập ở thượng nguồn gây ra. Điều này đã trở nên rất rõ ràng".
Trong khi đó, Trung Quốc không đồng ý với cáo buộc ở hạ nguồn cho rằng các đập của nước này là nguyên nhân gây ra mực nước giảm. Giới chức Bắc Kinh nói "lượng mưa ngắt quãng" là yếu tố dẫn đến các vấn đề hiện tại.
Vì thế, việc đưa ra các giải pháp phù hợp với quan điểm của các bên liên quan trong khu vực đang trở nên vô cùng cấp bách đối với sự ổn định của hệ sinh thái Mekong.
Người phát ngôn MRC cho biết điều này có thể buộc các đập thượng nguồn xả nước một cách hợp lý để giảm thiểu rủi ro về nước, lương thực và năng lượng, đồng thời kéo giảm một số tác động tiêu cực của quá trình phát triển kinh tế.