Chiều 8-9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Kế hoạch số 206 về xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vaccine phòng, chống COVID-19 cho người dân trên địa bàn TP.
Lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ cư dân Hà Nội
Mục tiêu của kế hoạch nhằm tập trung mọi nguồn lực, tận dụng tối đa thời gian “vàng” giãn cách xã hội để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Đồng thời tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 mũi 1 cho toàn bộ người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn dựa vào số vaccine được Bộ Y tế phân bổ và giao.
Theo đó, từ nay đến ngày 15-9, Hà Nội sẽ hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho người dân theo từng khu vực. Trong đó khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần), các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác lấy mẫu ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần).
Hà Nội cũng sẽ xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám, chữa bệnh và tại cộng đồng.
Quận Thanh Xuân tổ chức tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân
Cùng với đó, TP sẽ tổ chức xét nghiệm 3 ngày/lần đối với nhân viên, người lao động tại các cơ sở khám, chữa bệnh và các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh và theo hướng dẫn tại Công điện số 1305 ngày 2-9-2021 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19.
Hà Nội cũng hướng dẫn người dân tự lấy mẫu có sự giám sát của nhân viên y tế hoặc tình nguyện viên. Áp dụng xét nghiệm RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh kết hợp với việc gộp mẫu phù hợp. Trường hợp xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp, phải trả kết quả xét nghiệm trong vòng 12 giờ.
11 tỉnh, TP sẽ tham gia hỗ trợ Hà Nội trong công tác xét nghiệm, tiêm chủng gồm bảy tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 71 là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Nguyên. Ngoài ra còn bốn tỉnh, TP do Hà Nội đề nghị hỗ trợ là Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng.
Hoàn thành tiêm 1 mũi vaccine cho người 18 tuổi trở lên
Kế hoạch cũng yêu cầu toàn TP chuẩn bị chu đáo, toàn diện, chỉ đạo chặt chẽ về việc tiêm vaccine ngừa COVID-19. Kế hoạch dựa trên nguyên tắc thống nhất với việc lấy mẫu xét nghiệm, phù hợp năng lực, công suất tiêm chủng, không để mẫu tồn trong 24 giờ; bảo đảm công tác hậu cần đầy đủ, đồng bộ và có sự phối hợp chặt chẽ, hiệp đồng linh hoạt giữa các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho các lực lượng tham gia lấy mẫu, xét nghiệm, tiêm chủng và người dân, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực lấy mẫu, tiêm chủng.
UBND TP Hà Nội cũng nhấn mạnh việc người dân được tiêm mũi 1 bằng loại vaccine nào thì tiêm mũi 2 bằng loại vaccine đó. Với người được tiêm mũi 1 bằng vaccine của AstraZeneca, có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine của Pfizer khi được sự đồng ý của người được tiêm chủng, khoảng cách từ 8 - 12 tuần sau tiêm mũi 1.
Các tỉnh, TP tham gia hỗ trợ TP Hà Nội trong công tác xét nghiệm, tiêm chủng thực hiện tại quận, huyện, thị xã nào thì địa phương đó chịu trách nhiệm bố trí nơi ăn, chỗ ở và bảo đảm điều kiện làm việc.
Quận Thanh Xuân tổ chức tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân
Phạm vi thực hiện cụ thể: Vùng 1 (15 quận, huyện) gồm Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Oai.
Vùng 2 (5 quận, huyện) gồm Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh. Và vùng 3 (10 huyện, thị xã) gồm Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên.
Tại Vùng 1, việc lấy mẫu xét nghiệm và tiêm chủng do các cơ sở y tế trên địa bàn TP thực hiện. Tại Vùng 2 đơn vị hỗ trợ thực hiện là các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên. Còn tại Vùng 3 đơn vị hỗ trợ thực hiện là các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng.
Thời gian triển khai xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch COVID-19 là đến ngày 15-9.
Về kinh phí thực hiện, nguồn ngân sách TP sẽ bảo đảm kinh phí cho công tác xét nghiệm, công tác vận chuyển và bảo quản vaccine từ tuyến Trung ương về TP và từ TP về các quận, huyện, thị xã. Nguồn ngân sách quận, huyện, thị xã bảo đảm các kinh phí khác để triển khai lấy mẫu, xét nghiệm, tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 theo đúng quy định trên địa bàn. Cụ thể là vật tư tiêu hao, trang thiết bị, vật tư phòng hộ; kinh phí tập huấn, truyền thông; kinh phí in ấn biểu mẫu, báo cáo; kinh phí thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải; kinh phí cho các lực lượng tham gia; kinh phí khác phát sinh khi triển khai chiến dịch tiêm chủng trên địa bàn.... Trong trường hợp ngân sách quận, huyện, thị xã không tự cân đối bảo đảm chi cho việc triển khai công tác tiêm chủng trên địa bàn, UBND quận, huyện, thị xã báo cáo UBND TP chỉ đạo. Ngoài ra còn nguồn từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia; Nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho công tác xét nghiệm và tiêm chủng. |