Đây là kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp, người lao động trong đại dịch COVID-19 của Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ.
Trong số các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, có đến 40% là chỉ còn có thể cầm cự thêm dưới 1 tháng. Cũng cùng khoảng thời gian này, gần 20% số doanh nghiệp đang hoạt động còn tồn tại được.
Hộ kinh doanh là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất khi có tới 45% duy trì trong 1 tháng, tiếp đến là doanh nghiệp tư nhân chiếm gần 40% và doanh nghiệp nhà nước chiếm 30%...
Nguy cơ mất đơn hàng, không có doanh thu
Những tháng đầu năm nay, ngành chế biến gỗ và dệt may, da giày hầu hết đã đủ đơn hàng sản xuất cho đến hết năm nay. Tuy nhiên đến thời điểm này, mọi việc khó khăn hơn rất nhiều khi doanh nghiệp phải dừng sản xuất hoặc sản xuất giãn cách. Nguy cơ không hoàn thành đơn hàng là rất rõ ràng và khi không có doanh thu, doanh nghiệp cũng không có vốn để duy trì hoạt động.
Từng có 12 xưởng sản xuất, Công ty TNHH Giày Gia Định chuyên gia công cho nhiều thương hiệu thời trang có tiếng trên thế giới, nhưng đến nay tất cả đều phải dừng sản xuất, 5.000 công nhân nghỉ việc.
Trên 86% doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động do dịch COVID-19. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
"Không sản xuất kinh doanh, đơn hàng bị đình trệ. Chúng tôi đã ký đơn hàng với khách hàng đến hết năm 2021, vật tư sản xuất đã nhập về tháng 8, 9 chuẩn bị cho sản xuất. Do đó, nếu không sản xuất được thì khách hàng rút đơn hàng chuyển đi nước khác", ông Nguyễn Chí Trung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giày Gia Định, cho biết.
Giá thành sản xuất tăng lên, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, do hầu hết các nguyên vật liệu là nhập khẩu. Khi thực hiện hợp đồng, giá đầu vào bỏ xa thời điểm ký. Các đối tác sẽ chuyển hướng qua thu mua hàng hóa từ các thị trường khác có giá thành thấp hơn. Nếu đã chuyển hướng, việc tìm lại thị trường xuất khẩu là rất khó. Chưa kể doanh nghiệp còn phải đối mặt với hàng loạt các khoản phí gia tăng do sự đổ gãy của chuỗi cung ứng. Doanh thu có thời điểm giảm đến 60%.
"Thiếu hụt linh kiện toàn cầu rất cao và ảnh hưởng đến sản xuất của chúng tôi rất nhiều", Tổng Giám đốc Công ty Datalogic Việt Nam Trần Tiến Phát cho hay.
Việc giữ thị trường, giữ đối tác đơn hàng còn khó hơn trong bối cảnh hiện nay. Nếu không thực hiện được đơn hàng, việc đối mặt với các biện pháp phạt hợp đồng là nguy cơ hiển hiện với doanh nghiệp.
Thời điểm tháng 9 có thể xem là thời điểm mang tính chất quyết định để "cứu nguy" cho hai nhóm doanh nghiệp hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân. Thời gian vừa qua, hàng loạt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành như: gia hạn nộp thuế, thuê đất, giảm lãi suất cho vay…, nhưng triển khai như thế nào để kịp thời, trúng và đúng để doanh nghiệp mới thực sự được hỗ trợ, ví như những bình oxy đối với doanh nghiệp để họ cầm cự, giữ sản xuất, bảo đảm việc làm cho hàng chục triệu lao động.
Với doanh nghiệp, việc tồn tại phụ thuộc rất lớn vào dòng tiền sẵn sàng hay không. Dòng tiền có thể ví như việc lưu chuyển máu để nuôi doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động, mua sắm, trả lương… nhưng hiện dòng tiền này đang gặp khó ở đâu?
Với các doanh nghiệp dệt may, hiện các đơn hàng dệt may ra sao? Việc đáp ứng của các doanh nghiệp có kịp không khi nhiều doanh nghiệp trong Nam đang phải tạm dừng hoạt động?
Những câu hỏi trên phần nào sẽ được giải đáp trong chương trình Vấn đề hôm nay (8/9) với sự tham gia của bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, và ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam. Mời quý vị theo dõi qua video trên!
VTV.vn - Từ giữa tháng 7 đến nay, trên 50% doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ phải ngừng, đóng cửa hoặc giảm sản xuất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.40591331090901202-yxo-oht-peihgn-hnaod-neit-gnod-nac/et-hnik/nv.vtv