Gần nhất là trong trận Việt Nam (VN) tiếp khách Úc trên sân Mỹ Đình tối 7-9, khi tỉ số cuộc chơi vẫn là 0-0, Hồng Duy sút bóng bật tay hậu vệ Rhyan Grant trong trạng thái mà thuật ngữ trọng tài nhấn mạnh là “để tay phình to ra bất thường”. Sau khi được tổ trợ lý VAR thông báo, trọng tài Abdulrahman Ibrahim người Qatar xem lại nhưng không cho đội VN hưởng phạt đền.
Có ý kiến cho rằng điều kiện ở sân Mỹ Đình lần đầu tiên thiết lập công nghệ VAR không có đầy đủ góc quay đã gây khó khăn cho trọng tài có góc quan sát tốt nhất (!?).
Trước đó, trong trận gặp chủ nhà Saudi Arabia, khi trọng tài người Uzbekistan tin vào nhận định của mình trong tình huống Duy Mạnh không thể có phạt đền vì bóng chạm người trước khi bật vào tay thì ông lại được tổ VAR thông báo. Sau một hồi tranh luận, ông quyết định xem lại tình huống và thay đổi quyết định phạt 11 m và rút thẻ vàng thứ hai cho Duy Mạnh. Đấy là bước ngoặt khiến đội tuyển VN thua ngược.
Tương tự, ở vòng chung kết Asian Cup 2019, trong trận tứ kết với Nhật Bản, đội tuyển VN cũng bị VAR “nhắc” cho trọng tài cú quẹt chân của trung vệ Bùi Tiến Dũng với Ritsu Doan và Nhật Bản đã có bàn thắng duy nhất từ chấm 11 m.
Trước đó, đội VN bị thủng lưới ở hiệp 1 nhưng cũng nhờ VAR chỉ ra cầu thủ Nhật Bản đã để bóng chạm tay trước khi đưa bóng vào lưới.
Bốn lần bị VAR can thiệp thì ba lần đội tuyển VN bị thiệt thòi chỉ so với một lần thoát thua. Rõ ràng VAR vẫn là khắc tinh của đội tuyển VN.
Phản ứng của thầy Park về hai lần VAR can thiệp HLV Park Hang-seo đều không có phản ứng tiêu cực hoặc đổ thừa cho trọng tài. Ông thừa nhận trọng tài cho đội chủ nhà Saudi Arabia hưởng phạt đền là đúng nhưng tiếc cho Duy Mạnh khi nhận thẻ vàng thứ hai. Còn ở trận tiếp Úc, ông cho rằng trọng tài người Qatar sau một lúc xem kỹ VAR mới không cho đội tuyển VN hưởng phạt đền, hẳn có cái lý xác đáng của người cầm cân nảy mực. TT |