vĐồng tin tức tài chính 365

Các giải pháp cấp bách để vực dậy ngành thủy sản

2021-09-09 07:01

Ngành thủy sản có vai trò rất quan trọng, chiếm khoảng 35% trong tổng giá trị của ngành nông nghiệp và là lĩnh vực còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu các địa phương tiếp tục kéo dài giãn cách nghiêm ngặt thì các đơn vị kinh doanh trong ngành này khó có thể trụ lâu thêm và khó phục hồi.

Các giải pháp cấp bách để vực dậy ngành thủy sản - ảnh 1
Nhiều công ty thủy sản đề nghị sớm mở lại sản xuất để có thể thu ngoại tệ về từ xuất khẩu. Ảnh: QUANG HUY

Công suất chế biến thủy sản giảm 70%

Một khảo sát của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) vừa công bố cho thấy tính đến cuối tháng 8-2021, chỉ có khoảng 30%-40% doanh nghiệp (DN) thủy sản tại các tỉnh, thành phía Nam hoạt động được với mô hình “ba tại chỗ”. Khoảng 30%-40% đơn vị không đủ điều kiện thực hiện “ba tại chỗ” đã phải ngừng sản xuất, số còn lại đã tạm dừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy thực hiện “ba tại chỗ”.

Đáng chú ý, ngay cả với những nhà máy thực hiện được phương án này thì lượng công nhân có thể huy động được chỉ khoảng 30%-50% tổng số lượng lao động; số còn lại nghỉ việc hoặc nghỉ không lương. Ước tính, công suất chung của vùng ĐBSCL đã giảm 60%-70%.

Khảo sát cho thấy hiện nay ngành thủy sản hiện đang phải đối mặt với nhiều áp lực. Thứ nhất, tại các tỉnh, thành phía Nam có khoảng 70% nhà máy phải dừng sản xuất do các vấn đề liên quan đến dịch bệnh; số nhà máy còn lại thì lượng công nhân đi làm cũng chỉ còn khoảng 20%-40%.

Thứ hai, việc kéo dài thời gian giãn cách liên tục khiến nhiều bạn hàng mất kiên nhẫn. Thứ ba, các nguyên liệu, phụ liệu, vật tư đầu vào của ngành thủy sản khan hiếm, khó tiếp cận do mỗi địa phương có chính sách chống dịch khác nhau, gây khó khăn cho công tác vận chuyển. Hạn chế này không được tháo gỡ sẽ khiến DN không thể duy trì sản xuất lâu.

Thứ tư là các công ty vẫn phải chi trả cho lượng nhân công nghỉ dịch, còn với những người làm việc “ba tại chỗ” thì chi phí phải trả lớn hơn 50% thông thường bởi ngoài lương còn có tiền phụ thêm, chi phí ăn ở tại chỗ…

Doanh nghiệp xoay sở để phục hồi

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, một đại gia lớn trong ngành thủy sản, cho biết tập đoàn có hai nhà máy: Một nhà máy tại Cà Mau, bình thường có 7.000 công nhân làm việc và một nhà máy tại Hậu Giang, có 6.000 công nhân. Nhưng khi thực hiện “ba tại chỗ”, nhà máy tại Cà Mau chỉ còn 1.600 công nhân, nhà máy tại Hậu Giang chỉ còn 1.300 công nhân.

Đáng lo nhất là nhà máy giảm công suất hoạt động thì phải giảm mua tôm, bà con không thả tôm giống nữa nên dự kiến từ tháng 10 đến tháng 12 tới đây sẽ thiếu hụt nguyên liệu xuất khẩu. Như vậy, nếu nới lỏng giãn cách xã hội, sản xuất mở cửa trở lại thì cũng sẽ thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng.

“Để khắc phục khó khăn trên, hiện chúng tôi đang chuyển đổi theo hướng tăng chế biến tôm có kích cỡ lớn nhằm tăng công suất trong điều kiện thiếu công nhân. Đồng thời, tập đoàn đã khuyến cáo bà con thả mật độ thưa hơn trước đây” - lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú thông tin.

Đại diện nhiều công ty khác cũng cho hay hiện nhiều tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16 cùng với việc chỉ tập trung vào mục tiêu chống dịch, do đó khả năng phục hồi sản xuất rất khó.

Do vậy, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng nếu TP.HCM nới lỏng giãn cách sau ngày 15-9 thì đây là tín hiệu đáng mừng vì các tỉnh, thành phía Nam, đặc biệt là miền Tây có thể sẽ mở cửa theo để đồng bộ. Nếu TP.HCM nới lỏng, mở cửa mà các địa phương khác vẫn siết chặt giãn cách thì vẫn khó cho sản xuất, kinh doanh.

“Vì vậy, nới lỏng giãn cách, tạo điều kiện phát triển kinh tế không chỉ giúp DN phục hồi sản xuất như trước đây mà còn đảm bảo việc làm cho hàng ngàn lao động và ổn định đầu ra tiêu thụ cho nhiều nông sản, người nông dân giảm thiệt hại” - ông Bình nói.

Giải pháp bền vững

Để phục hồi sản xuất một cách bền vững, VASEP và các công ty trong ngành thủy sản đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thứ tự ưu tiên các thành phần được tiêm vaccine phòng COVID-19. Trong đó, chú ý ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động tại các nhà máy đang áp dụng phương thức “ba tại chỗ” tại các địa phương trong tháng 9-2021, nhất là lực lượng công nhân ngành thủy sản làm việc trong môi trường khép kín và ẩm ướt rất dễ lây lan dịch bệnh.

Ngoài ra, VASEP đề xuất các địa phương không áp dụng cứng nhắc quy định sản xuất “ba tại chỗ” sau khi đã tiêm đủ vaccine phòng COVID-19. Đặc biệt, với những người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 thì các địa phương nên cho tham gia sản xuất bình thường với điều kiện thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh. Có như vậy mới không làm chuỗi sản xuất, cung ứng ngành thủy sản bị đứt gãy và phục hồi sản xuất được.

Cùng với đó, ngành ngân hàng nên cung cấp thêm tín dụng với mức lãi suất hợp lý cũng như khoanh nợ, giãn nợ… để DN tái đầu tư phục hồi sản xuất. Song song đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về giảm thuế, tiền điện, nước...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định quan trọng nhất hiện nay là phải giải quyết được khâu tiêu thụ, bảo đảm nguồn cung thủy sản cho tiêu dùng và xuất khẩu. Bộ đã tổng hợp các khó khăn, kiến nghị của các địa phương, DN để trình Chính phủ.•

Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp giảm mạnh

Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản trong tháng 8-2021 ước đạt gần 3,4 tỉ USD. Con số này giảm 22% so với tháng 7-2021.

Các mặt hàng giảm mạnh nhất là sản phẩm gỗ giảm 50%, cá tra và tôm giảm gần 30%, rau củ giảm 26%, hồ tiêu giảm 22%…

 

Khách nước ngoài muốn mua rất nhiều nhưng thiếu nguồn cung

Các giải pháp cấp bách để vực dậy ngành thủy sản - ảnh 2
Khách nước ngoài muốn mua nhiều trái cây nhưng các công ty trong nước khó đáp ứng. Ảnh: QH

Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết hiện nay các đơn hàng xuất khẩu rất nhiều, khách đặt liên tục nhưng công suất của các DN Việt đều giảm mạnh.

Nguyên nhân, do các quy định phòng chống dịch mỗi địa phương một kiểu ảnh hưởng đến hoạt động thu mua, chế biến xuất khẩu. Vì vậy, các địa phương cần thống nhất, đồng bộ, tránh sự bất nhất.

“Nếu TP.HCM có kịch bản mở cửa trở lại, giải pháp sống chung với COVID-19 thì các địa phương khác cũng phải thực hiện đồng bộ theo. Đặc biệt, chính quyền các địa phương cần có những kịch bản dự báo trước cho DN để chủ động thích ứng, duy trì hoạt động, chuẩn bị các kế hoạch sản xuất, kinh doanh” - ông Tùng nói.

Đồng quan điểm, ông Đinh Minh Tâm, Phó Giám đốc Công ty Gạo Cỏ May, cho rằng khi TP.HCM nới lỏng giãn cách thì các tỉnh, thành ĐBSCL cũng sẽ thực hiện đồng bộ với điều kiện vừa phòng chống dịch vừa bảo đảm thông suốt các khâu sản xuất, thu hoạch, vận chuyển.

 

Xem thêm: lmth.7904101-nas-yuht-hnagn-yad-cuv-ed-hcab-pac-pahp-iaig-cac/et-hnik/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Các giải pháp cấp bách để vực dậy ngành thủy sản”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools