Khuya 8-9, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu có văn bản về việc tiếp tục thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh kể từ 00 giờ ngày 9-9.
Theo đó, tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với TP Vũng Tàu, Bà Rịa, thị xã Phú Mỹ và huyện Long Điền, thời gian 14 ngày bắt đầu từ 00 giờ ngày 9-9.
Ăn uống, nhà hàng, tắm biển… vẫn tạm dừng
Cụ thể, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội “ai ở đâu ở đó”, người dân chỉ ra đường khi thật sự cần thiết; Thực hiện nghiêm, triệt để, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch của trung ương, tỉnh để giữ vững vùng dịch bệnh đã được kiểm soát, quyết liệt thu hẹp và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 với mức độ “nguy cơ cao” đối với các huyện Châu Đức, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, thời gian áp dụng từ 00 giờ ngày 9-9.
Riêng Côn Đảo cũng vẫn tiếp tục thực hiện Chỉ thị 15 từ 9-9 (do đã thực hiện từ trước đó, 16-8)
Đối với ba địa phương Châu Đức, Đất Đỏ, Xuyên Mộc mới thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 các hoạt động tiếp tục tạm dừng; hoạt động được mở nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Cụ thể:
Tiếp tục tạm dừng: Các dịch vụ ăn, uống, giải khát phục vụ tại chỗ; ăn uống có tổ chức hát với nhau; chợ đêm, nhà hàng tiệc cưới; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình buffet.
Các hoạt động tắm biển vẫn phải tạm dừng. Ảnh: MC
Các cơ sở chăm sóc sức khỏe, cơ sở làm đẹp, cơ sở vật lý trị liệu, massage, spa, xông hơi; các tụ điểm, khu vui chơi, giải trí; sân khấu ca nhạc; sân khấu kịch; rạp chiếu phim; khu phố đi bộ; Karaoke dưới mọi hình thức, hát với nhau; vũ trường, quán bar, pub, beer club; các điểm kinh doanh trò chơi điện tử, truy cập Internet.
Các cơ sở kinh doanh thể dục thể thao trong nhà, ngoài trời (Golf, tennis, cầu lông, bóng bàn, bóng đá, gym, fitness, billiards, yoga,..); các trung tâm thể dục thể thao và các khu tập luyện thể thao, khu vực thể dục công cộng.
Các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, khuyến khích hình thức trực tuyến; Các hoạt động tắm biển.
Chợ truyền thống được mở cửa, chỉ bán hàng thiết yếu
Cho phép các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu hoạt động nhưng phải bảo đảm công tác phòng, chống dịch (5K); các nhà máy, cơ sở sản xuất, dịch vụ lưu trú, công trình xây dựng chỉ được hoạt động khi bảo đảm các điều kiện phòng chống dịch...
Yêu cầu người dân hạn chế ra đường. Các địa phương xây dựng phương án quản lý chặt chẽ việc di chuyển của người dân giữa các khu phố, thôn, ấp, xã, phường, thị trấn.
Chỉ cho phép các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung không quá 10 người trong một phòng (diện tích tối thiểu là 40m2)…Không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu 2m tại nơi công cộng. Giảm 50% số người làm việc tại cơ quan, công sở; tăng cường làm việc trực tuyến...
Các chợ truyền thống được hoạt động trở lại nhưng chỉ được buôn bán hàng hoá thiết yếu và khi đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch; các địa phương có giải pháp cụ thể bảo đảm phòng chống dịch như sắp xếp ngày, thời gian phát phiếu đi chợ cho người dân...
Lễ hiếu, hỉ, tang lễ cần đơn giản, gọn tuân thủ nghiêm quy định 5K và không tập trung quá 10 người.
Các chợ truyền thống như chợ Bà Tô, huyện Xuyên Mộc được mở cửa bán hàng thiết yếu khi đảm bảo an toàn. Ảnh: TK
Đối với huyện Côn Đảo đã thực hiện Chỉ thị 15 trước đó thì yêu cầu kiểm soát chặt, chưa cho phép các phương tiện vận tải hành khách ra, vào Côn Đảo; khuyến cáo người dân không chủ quan, thực hiện nghiêm 5K. Tuyến vận tải hàng hóa bằng đường thủy đến Côn Đảo được phép hoạt động nhưng phải kiểm soát chặt chẽ số người làm việc trên tàu; đảm bảo an toàn phòng chống dịch…
Làm tốt công tác an sinh xã hội; quản lý chặt người, xe vào tỉnh
Ngoài ra tỉnh yêu cầu chung với tất cả các địa phương trên địa bàn phải tăng cường hiệu quả hoạt động các Chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại các tuyến quốc lộ, đường mòn, lối mở, ở các đường biên giáp ranh giữa tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu với các tỉnh, thành phố khác, tiếp tục quản lý chặt chẽ tất cả người, phương tiện ra, vào địa bàn. Giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án đi lại giữa các địa phương trong tỉnh.
Các cấp, các ngành phải sâu sát cơ sở, thực hiện đầy đủ chính sách an sinh xã hội tới từng người dân đặc biệt quan tâm phụ nữ có thai, trẻ em, người già, người có bệnh mãn tính.
Tuyệt đối không để bất kỳ người dân nào thiếu lương thực, thực phẩm; khi tiếp nhận các nguồn lực hỗ trợ phải chuyển ngay về cấp xã và cấp xã phải chuyển đến từng người dân một cách nhanh chóng, đầy đủ. Duy trì xuyên suốt các kênh thông tin để tiếp nhận, xử lý kịp thời các kiến nghị, phản ánh của người dân; đảm bảo ANTT…