Tờ Newsweek ngày 8-9 dẫn lời Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết gần đây đã trao đổi với Tổng thống Mỹ Joe Biden về các diễn biến xung quanh Đài Loan, mô tả việc Anh ủng hộ "vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ" là giải pháp duy nhất cho tình hình "khó khăn" tại hòn đảo này.
Tại phiên họp ở Hạ viện hôm 6-9, nghị sĩ đảng Bảo thủ Iain Duncan Smith đã đưa ra câu hỏi cho ông Johnson về tình hình Đài Loan liên quan việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: GETTY IMAGES
Ông Duncan Smith hỏi Thủ tướng Anh rằng liệu ông Johnson có nhận thấy chính phủ Trung Quốc sử dụng việc Mỹ rời khỏi Afghanistan để "tăng cường các mối đe dọa của họ đối với Đài Loan với hàng trăm cuộc xâm nhập bằng máy bay quá mức".
Trong khi đó, Nghị sĩ Tory Tom Tugendhat cho rằng Trung Quốc đang "đe dọa họ (Đài Loan) và truyền thông điệp rằng khi chiến tranh xảy ra, Mỹ sẽ không ở đó để hỗ trợ họ". Vị nghị sĩ này yêu cầu Thủ tướng Anh trấn an " Đài Loan và những bên khác" về sự ủng hộ của London đối với "quyền dân chủ" và "quyền tự quyết" của họ.
Liên quan các câu hỏi trên, ông Johnson trả lời: "Tất nhiên, tôi biết các vấn đề đang tiếp diễn giữa Trung Quốc và Đài Loan. Gần đây, tôi đã thảo luận điều đó với Tổng thống Mỹ".
“Đó là một trong những lý do quan trọng khiến Đài Loan tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng của mối quan hệ giữa chúng ta với Mỹ” – ông Johnson cho biết, lưu ý thêm rằng tình hình ở Đài Loan “sẽ tiếp tục khó khăn”.
“Câu trả lời duy nhất, con đường duy nhất về phía trước là tiếp tục ủng hộ vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, và đó là những gì chúng ta sẽ làm” – ông Johnson nói thêm.
Tuy nhiên, vị thủ tướng Anh không nói rõ về thời điểm cuộc trao đổi giữa ông và ông Biden.
Trước đó, sau hội nghị thượng đỉnh của nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) hồi tháng 6 ở Anh, G7 đã đưa ra một thông cáo chung đề cập hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan – được cho có thể là theo yêu cầu của ông Biden và Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga.
Bắc Kinh đã phản đối việc chính quyền ông Biden tập hợp các đồng minh trong chuyến thăm châu Âu trên, theo đó hôm 15-6 đã triển khai số lượng kỷ lục máy bay chiến đấu, 28 chiếc, xâm nhập vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan.
Theo Newsweek, Trung Quốc nằm trong số năm đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ và Anh, nhưng cả Washington và London thời gian qua đã thực hiện các bước để hạn chế khả năng chịu tổn hại trước ảnh hưởng tài chính và công nghệ của Bắc Kinh.
Gần đây, Anh đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc liên quan vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và tình hình Hong Kong.
Anh cũng đã triển khai các lực lượng Hải quân Hoàng gia đến châu Á như một phần trong vai trò an ninh tập thể của mình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hai trong số các tàu chiến của nước này đã rời cảng Portsmouth trong tuần này để triển khai thường trực ở khu vực.
Tương tự Mỹ, Anh không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Anh cắt đứt quan hệ với Đài Bắc và chính thức hóa quan hệ với Bắc Kinh vào năm 1950, gần 30 năm trước Mỹ.