Từ năm 2017, trước sự xuất hiện của các loại sản phẩm thuốc lá thế hệ mới gồm thuốc lá làm nóng (thuốc lá nung nóng), thuốc lá điện tử, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng chính sách quản lý các sản phẩm này. Hiện nay, toàn xã hội và các bộ ngành đều đang hy vọng sớm ban hành luật quản lý đối với những sản phẩm này để giải quyết các vấn đề đang ách tắc như nạn buôn lậu, sức khỏe cộng đồng lẫn tình trạng thất thu ngân sách nhà nước.
Thuốc lá thế hệ mới phù hợp luật hiện hành
Nhiều năm qua, các bộ ngành đã đầu tư nguồn lực, ngân sách cho quá trình lấy ý kiến nội bộ, liên bộ cũng như nghiên cứu, tham chiếu chính sách quản lý từ quốc tế. Rất nhiều hội thảo chuyên ngành được tổ chức nhằm mục đích xây dựng chính sách.
Nhiều hội thảo đã được tổ chức nhằm xây dựng dự thảo chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới.
Hội thảo Khung Pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới được tổ chức ngày 11-11-2020 tại Hà Nội có sự tham dự của đại diện các bộ, ngành liên quan và cả các khách mời quốc tế. Rất nhiều ý kiến chuyên môn quan trọng đã được ghi nhận tại hội thảo này.
Để quản lý thuốc lá và các sản phẩm có chứa nguyên liệu là lá thuốc lá, Việt Nam đã có luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) được ban hành từ năm 2012, phân loại nhóm cho những sản phẩm có chứa nguyên liệu thuốc lá nhưng lại không phải là xì gà, thuốc lá điếu. Từ định nghĩa của Luật PCTHTL hiện hành, các chuyên gia đánh giá hiện thuốc lá làm nóng (một sản phẩm thuốc lá thế hệ mới) đã nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật và đủ điều kiện để chịu sự kiểm soát dưới khung pháp lý này. Bên cạnh đó, tại Cuộc họp các bên về kiểm soát thuốc lá lần thứ 8 do WHO chủ trì (COP8), nghị quyết cũng đã khẳng định thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá và cần quản lý theo luật kiểm soát thuốc lá hiện hành của các quốc gia.
Trước lo ngại về nhóm đối tượng không được phép tiếp cận các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bà Fiona Richardson - thành viên Hội đồng Lập pháp Quốc hội bang Victoria và là người cầm quyền đảng Reason Party của Úc - đã chia sẻ rằng: “Chính sách cần quản lý và kiểm soát những sản phẩm nào được phép bán cũng như nơi chúng được bán nếu muốn hạn chế sự tiếp xúc của thanh thiếu niên đối với các sản phẩm này. Đồng thời cũng cần quy định rõ sản phẩm này được phép bán ở đâu và bán cho ai.”
Hai quốc gia New Zealand và Philippines cũng bắt đầu đưa hướng tiếp cận giảm thiểu tác hại thuốc lá vào các chiến lược chăm sóc sức khỏe của quốc gia, phù hợp với mục đích ban đầu của Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm giảm thiểu vấn nạn hút thuốc lá trên toàn cầu, theo các chuyên gia về chính sách y tế công cộng.
Cũng theo các chuyên gia y tế cộng đồng, cùng với việc khuyến khích cai bỏ thuốc lá và ngăn chặn việc bắt đầu sử dụng thuốc lá thì một trong những cách tiếp cận hiệu quả đối với nhóm người tiếp tục hút thuốc đó là chuyển sang sử dụng những sản phẩm thay thế ít nguy hại hơn. Thực tế tại những quốc gia đã cho lưu hành những sản phẩm này cho thấy, cách tiếp cận này đã mang lại những hiệu ứng tích cực.
Khó trăm bề khi chống buôn lậu
Nhiều năm qua, thuốc lá thế hệ mới tại thị trường hoàn toàn thông qua đường buôn lậu, xách tay và tỷ lệ phạm tội buôn lậu sản phẩm này tăng cao theo hàng năm với quy mô ngày một lớn hơn. Ước tính, thiệt hại về kinh tế do buôn lậu gây ra lên đến 8.500 tỉ đồng mỗi năm đối với tất cả các sản phẩm thuốc lá nhập lậu, đồng thời gây ra những hệ lụy về sức khỏe cộng đồng.
Do thiếu luật kiểm soát thuốc lá thế hệ mới nên việc bài trừ buôn lậu các mặt hàng này không thể đạt kết quả khả quan. Không chỉ những bộ ngành liên quan, mà cả những ngành khác cũng chịu tác động.
Trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, ông Nguyễn Nho Huy - Phó vụ trưởng Vụ giáo dục Thể chất - Bộ Giáo dục và Đào tạo đề đạt: "Đối với sản phẩm thuốc lá mới, hiện nay chúng ta chưa đầy đủ khung chính sách để quản lý. Rất mong phía Chính phủ có quan tâm để làm sao đầy đủ cơ chế chính sách để chúng ta có thể quản lý tốt được cả thuốc lá mới. Bởi vì nếu ở bên ngoài mà sản phẩm thuốc lá thế hệ mới cứ trôi nổi, thì việc phòng chống ở trong nhà trường chúng tôi cũng rất nhiều khó khăn."
Ông Nguyễn Đức Lễ - Tổng cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương nhận định rằng: “Trong quá trình lực lượng quản lý thị trường của chúng tôi kiểm tra, thì không có văn bản nào nói rằng loại thuốc lá đấy không được kinh doanh, hay cấm kinh doanh, do đó buộc phải xử lý theo hướng là hàng hoá nhập lậu. Chúng tôi cũng không xử lý được theo hướng hàng giả, bởi vì hàng giả về bản chất là phải có hàng thật hoặc là hàng hóa được bảo hộ.”
Đại diện Cục Quản lý Công Nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, hiện Bộ đang nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ về chính sách quản lý đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới, đảm bảo chặt chẽ, phù hợp Luật PCTHTL và Chiến lược Quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, phù hợp thông lệ quốc tế.
Tháng 10-2020, Chính phủ một lần nữa nhắc lại yêu cầu Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan cần sớm hoàn thiện dự thảo và trình Chính phủ vào tháng 12-2020. Đến nay xã hội và các bộ ngành vẫn đang nóng lòng chờ đợi quyết định từ Chính phủ nhằm giải quyết những vấn đề đang ách tắc, nhất là việc kiểm soát buôn lậu sẽ được thực thi đồng bộ, chặt chẽ. Người dùng sẽ không còn gặp tình trạng sử dụng các nguồn hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng và kiểm soát được đối tượng không được tiếp cận sản phẩm này. Về mặt quản lý nhà nước, nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên khi mặt hàng này được áp dụng thuế theo luật định.