Dù tàn tật nhưng hằng ngày chị Lệ bán rau ở chợ kiếm sống - Ảnh: LÊ TRUNG
Hằng ngày chị Ngô Thị Lệ (40 tuổi, thôn Phú Đa, xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) vẫn lặng lẽ bán rau ở góc chợ quê kiếm tiền nuôi các con, sống hạnh phúc với những đứa con không phải máu mủ ruột rà.
Tuổi thơ bất hạnh
Cuộc đời Lệ buồn như cái tên. Năm ba tuổi, cô bị sốt bại liệt khiến đôi chân cô bị liệt, teo cơ, hai bàn tay co quắp, nằm một chỗ. Lớn lên hằng ngày cha, các anh thay phiên cõng cô đến trường, cô bé chỉ ngồi một chỗ trong lớp, việc sinh hoạt cá nhân đều được bạn bè, thầy cô thay nhau giúp. "Đi học thấy bạn bè chạy nhảy, vui chơi, mình chỉ ước một phép mầu là đôi chân đi lại được" - Lệ nhớ lại.
Đến năm 22 tuổi, gia đình đưa cô đến trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng kiểm tra. Các bác sĩ thực hiện hai ca phẫu thuật, sau đó chân, tay cô vận động được nhưng do sức khỏe yếu nên phải dùng nạng gỗ để chập chững đi. Những ngày tháng miệt mài tập đi đứng, bưng nắm đồ vật, nhiều năm kiên trì, cuối cùng cô cũng tự mình bước đi dù những bước chân vẫn còn khập khiễng.
Cứ thế Lệ dần hòa nhập với cuộc sống. Năm 27 tuổi Lệ đi học nghề may, sau đó cô được nhận vào làm tại Trung tâm dạy nghề nhân đạo và tạo việc làm cho trẻ em tàn tật Việt Nam ở Hà Nội. Lệ có giọng hát hay, truyền cảm nên khi vào trung tâm, cô được theo đoàn từ thiện đi từ Bắc vào Nam để biểu diễn văn nghệ từ thiện, gây quỹ, kêu gọi giúp đỡ cho trẻ em khuyết tật.
Chị Lệ và ba đứa con của mình - Ảnh: ĐỨC TÀI
Như máu mủ của mình
Cách đây chín năm, trong lúc đến tỉnh Bắc Giang biểu diễn, Lệ tình cờ gặp một cô gái ở cùng dãy trọ với mình. Cô bé là sinh viên nhưng không may có thai ngoài ý muốn, bị người yêu ruồng bỏ. Sợ gia đình biết chuyện nên cô bị trầm cảm, thấy vậy Lệ luôn ở bên an ủi. "Cô bé đó nói chắc đẻ con xong sẽ bỏ lại bệnh viện cho người ta nhận nuôi, chứ không đủ điều kiện nuôi cháu" - Lệ kể.
Thương quá, Lệ động viên, nói sinh ra nếu không nuôi được, Lệ sẽ nhận nuôi đứa bé, đừng bỏ ngoài đường, tội nghiệp. Mấy tháng sau, cô gái sinh một bé gái, Lệ đã giữ đúng lời hứa, đem cháu về nuôi, đặt tên là Hoài Thương. Cô gái khi sinh con xong cũng bỏ đi biệt tích. "Nói thật lúc đó mình tật nguyền, nghĩ sẽ chẳng có chồng, sinh con, nên thấy Hoài Thương, mình mong muốn có một đứa con để an ủi" - Lệ bộc bạch.
Thời gian đầu, Lệ xin tạm nghỉ đi biểu diễn, ở phòng trọ lo cho cháu bé, dành những đồng lương ít ỏi mua sữa nuôi con. Sau mấy tháng, bé cứng cáp, cô đưa cháu theo bên mình trong những đợt đi diễn ở các tỉnh. Những anh chị em trong đoàn thấy Hoài Thương bụ bẫm, ai cũng thương, thay phiên nhau chăm sóc, em dần lớn lên trong tình yêu thương của mẹ Lệ và mọi người.
"Cũng nhờ các anh chị trong đoàn hay phụ giúp mình lo cho con, chứ một mình xoay xở thì cực lắm" - Lệ nói.
Bẵng đi một thời gian, cứ nghĩ trời chỉ cho mỗi Hoài Thương bên mình, ai ngờ đời Lệ lại một lần nữa "nhặt" con. Lúc đó 3h sáng một ngày năm 2014, khi đi ôtô của đoàn lưu diễn từ Quảng Nam ra Đà Nẵng, đến gần cầu Tiên Sơn, bên vệ đường Lệ thấy một bọc nilông và tiếng khóc của trẻ nhỏ. Trời rạng sáng lạnh lắm, sương phủ dày đặc, tiếng khóc đứa bé mỗi lúc một lớn. Mở bọc ra thấy một bé trai còn đỏ hỏn.
"Mình đem vào Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng khám cho cháu, đồng thời tìm thông báo cho người thân đến nhận. Sau khi xuất viện, không có ai đến nhận, lại một lần nữa mình quyết định đưa cháu về nuôi luôn" - Lệ nhớ lại. Và cậu bé được đặt tên là Tiến Vũ.
Một cô gái tàn tật, cuộc sống khó khăn, nay đây mai đó, lại đèo bòng thêm hai đứa nhỏ chẳng máu mủ. "Nhiều người khuyên mình đem các con cho người khác để họ có đủ điều kiện chăm sóc. Có người xin về nuôi, nói sẽ hỗ trợ một khoản tiền nhưng mình nhất quyết không. Thực sự quá trình nuôi nấng, mình đã coi hai đứa là máu mủ, cho đi đứt ruột lắm" - Lệ tâm sự.
Bà Lê Thị Sin (trưởng đoàn biểu diễn từ thiện nơi Lệ làm việc) cho biết dù tật nguyền nhưng Lệ luôn tham gia các chương trình lưu diễn, các hoạt động của trung tâm để có tiền nuôi con. Mỗi lần Lệ lên sân khấu hát, các thành viên thay nhau bế các cháu. Thương hoàn cảnh các cháu, nhiều người cũng cho tiền, sữa.
"Lệ là một người đầy nghị lực, yêu thương con hết mực. Trong xã hội bây giờ ít ai làm được như cô, dù tật nguyền nhưng trái tim luôn bao dung" - bà Sin chia sẻ.
Trong thời gian biểu diễn, Lệ yêu một người đàn ông trong đoàn, hai người quyết định cưới nhau. Nhưng gia đình bạn trai thấy Lệ tật nguyền, rồi đèo bòng thêm hai đứa nhỏ không phải con ruột, nên họ không đồng ý cho kết hôn. Đó cũng là lúc Lệ đang mang trong mình giọt máu của người đàn ông này.
"Con họ mình nhặt về nuôi, không lẽ con ruột của mình lại bỏ đi" - Lệ nhớ lại khoảng thời gian cay nghiệt. Buồn bã, năm 2019 Lệ về quê, một mình "vượt cạn", sinh được một bé gái, chị đặt tên Bảo Ngọc. Cả ba đứa con đều lấy họ của chị.
Xây được nhà mới
Dịch COVID-19 bùng phát đầu năm 2020, đoàn biểu diễn dừng hoạt động, Lệ về quê ở luôn. Gần hai năm qua, hằng ngày chị ra chợ bán rau, tối đến lái chiếc xe ba bánh bán hàng rong, kiếm tiền bằng giọng hát của mình để lo cho các con.
"Hoàn cảnh cô ấy tội lắm, không chồng, một mình nuôi 3 đứa con. Tiểu thương ai cũng xót, thường hay giúp đỡ em" – bà Trịnh Thị Tám (54 tuổi, tiểu thương) nói. Đưa các con về quê, chị đã xin cho các con đi học, Hoài Thương đạt thành tích xuất sắc, Vũ cũng học khá.
Mới đây, biết hoàn cảnh của Lệ, anh Lương Phi, một chủ kênh YouTube, đã kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ số tiền 240 triệu đồng giúp chị xây dựng một căn nhà mới.
TTO - "Thương lắm! Có một em bé không tay, không chân được sinh ra ở đây. Người mẹ thấy con dị tật, lo sợ nên không quay lại đón bé nữa".
Xem thêm: mth.10551340190901202-noc-tahn-nal-iah/nv.ertiout