Trong đợt soát xét Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán bị kiểm toán phát hiện ra nhiều vấn đề, dẫn đến việc nghi ngờ khả năng hoạt động của doanh nghiệp.
Đầu tiên phải kể tới cổ phiếu VOS của Công ty Vận tải biển Việt Nam (VOS: HOSE) và mã RIC của Công ty Cổ phần Quốc tế Hoàng Gia. Đây là hai doanh nghiệp làm ăn bết bát nhiều năm nay nhưng giá cổ phiếu lại tăng phi mã từ đầu năm.
Báo cáo tài chính soát xét bán niên của RIC ghi nhận lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2021 là âm 45,07 tỉ đồng và lỗ lũy kế 354,9 tỉ đồng. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu này đã tăng 346%, hiện neo tại mức giá 22.300 đồng/cổ phiếu.
Đối với Công ty Vận tải biển Việt Nam (VOS: HOSE) mặc dù lãi tích cực trong nửa đầu năm 2021 nhưng lỗ lũy kế là 699 tỉ đồng, nợ quá hạn là 520 tỉ đồng. Điều này khiến hãng kiểm toán AASC đưa ra ý kiến nghi ngờ về khả năng hoạt động của VOS. Tuy nhiên, điều này có vẻ không ảnh hưởng đến mức giá của cổ phiếu trên thị trường khi giá đã tăng tới 543,48% từ đầu năm.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (FTM: HOSE) lỗ ròng hơn 94 tỉ đồng nửa đầu năm, tăng lỗ lũy kế từ hơn 196 tỉ đồng lên hơn 290 tỉ đồng.
Trong báo cáo soát xét nửa đầu năm 2021 của FTM, kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với khoản lỗ hơn 94 tỉ đồng, các khoản vay ngân hàng quá hạn thanh toán với số tiền gần 464 tỉ đồng và lãi vay ngân hàng quá hạn thanh toán chưa được gia hạn nợ số tiền gần 233 tỉ đồng.
Ngoài ra có thể thấy nợ vay lớn dẫn đến gánh nặng chi phí tài chính trong hoạt động kinh doanh của công ty. Chi phí lãi vay hàng năm của công ty vào khoảng trên 50 tỉ đồng, riêng 6 tháng đầu năm 2021 là 47 tỉ đồng. Tính đến hết quý 2, các khoản phải thu ngắn và dài hạn đạt 968 tỉ đồng, chiếm 61% tổng tài sản. Trong đó các khoản phải thu ngắn hạn xấp xỉ mức đầu năm và phải thu dài hạn tăng 58%.
Đáng chú ý nhất là Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG: HOSE) cũng bị kiểm toán viên nghi ngờ khả năng hoạt động khi nhấn mạnh đến khoản lỗ lũy kế gần 7.372 tỉ đồng và lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính công ty mẹ là hơn 7.065 tỉ đồng.
Ngoài ra, phía kiểm toán cũng chỉ ra tập đoàn đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay. Những điều này dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động của Tập đoàn.
Cụ thể, trong khoản vay trái phiếu trị giá 5.876 tỉ đồng tại BIDV sẽ đáo hạn vào 30.12.2026, công ty có thế chấp 4.852 ha cao su và hơn 7.102 ha cọ dầu. Tuy nhiên, tại thời điểm 30.6.2021, diện tích trồng cao su và cọ dầu thực tế đang thấp hơn cam kết trong hợp đồng tín dụng. Bên cạnh đó, phía công ty cũng chưa tiến hành thanh toán lãi vay phải trả đã đến hạn tại ngày 3.6.2021 với tổng giá trị là 1.483 tỉ đồng
Tương tự, trong số các tài sản thế chấp cho 2 khoản vay dài hạn tại Eximbank sẽ đáo hạn vào 31.12.2024, có bao gồm đàn bò của công ty. Tuy nhiên, phía công ty hiện nay đã thanh lý toàn bộ số lượng bò nên cũng không đảm bảo số lượng bò theo quy định của hợp đồng tín dụng.
Hay như tại Công ty Cổ phần Thép Pomina (POM: HOSE), công ty kiểm toán Ernst & Young nghi ngờ khả năng hoạt động của công ty do nợ ngắn hạn vượt quá nợ dài hạn.
Sau soát xét, doanh thu thuần của POM giảm nhẹ 4% về mức 6.213,3 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 3,7% xuống còn 195,1 tỉ đồng. Đây là kết quả được cho là tích cực hơn nhiều so với cùng kì năm ngoái. Tuy nhiên, phía kiểm toán nhấn mạnh, khoản nợ phải trả ngắn hạn vượt quá so với tài sản ngắn hạn 350,4 tỉ đồng. Điều này dẫn đến về khả năng nghi ngờ hoạt động của công ty khi mà trong báo cáo soát xét nửa đầu năm 2020 và báo cáo kiểm toán cả năm 2020 cũng đều bị nghi ngờ khả năng hoạt động vì lý do tương tự.
Xem thêm: odl.874159-neit-tor-ihk-gnort-naht-nen-ut-uad-ahn-naohk-gnuhc-am-gnuhn/et-hnik/nv.gnodoal