Hiện TPHCM đã cho phép dịch vụ ăn uống được mở bán mang đi từ ngày 8.9. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn phản ánh khó đặt được hàng vì không tìm được shipper và phí giao hàng cao.
Vẫn khó tìm shipper
“Gia đình tôi có nhu cầu mua đồ ăn, nhưng cả buổi sáng nay tôi đặt không được vì không có tài xế nhận đơn" - đây là phản ánh của chị Bích Trâm sống tại quận Gò Vấp sau khi nghe thông tin TPHCM cho phép các cửa hàng ăn uống bán mang đi.
Sau hơn 1 tuần Sở Công Thương TPHCM cho shipper hoạt động trở lại ở vùng đỏ để giao hàng, đi chợ giúp dân, song trên thực tế người dân khó có thể nhờ shipper đi chợ và hay đặt hàng.
Cùng với đó, từ ngày 8.9, TPHCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động từ 6h đến 18h hàng ngày theo hình thức bán hàng mang đi. Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.
Do đó, nhiều người dân lo ngại số đặt hàng tăng cao trong khi đó số lượng shipper hoạt động chưa nhiều khó có thể đáp ứng được nhu cầu. Ông Đỗ Thanh Tâm - chủ một cửa hàng ăn uống tại Quận 8 cho biết: “Tôi chưa mở lại quán ăn vì phải nghe ngóng tình hình và xem shipper có nhận đơn hay không. Bởi thời điểm này việc đặt shipper rất khó khăn, chỉ giao hàng trong quận nên việc mở lại cũng chưa chắc có lợi nhuận”.
Tại các “vùng xanh” người dân khi đặt hàng trên các ứng dụng như Grab, Shopee Food ... phải chờ từ 10-15 phút để có tài xế nhận đơn. Trong khi đó, người dân ở “vùng đỏ" rất khó để tìm được tài xế vì không có người nhận đơn.
Phí giao hàng tăng cao
Đặt một đơn hàng trị giá 90.000 đồng và phải mất 30.000 đồng tiền giao hàng cho quãng đường 2km, anh Tấn Hoài (sống tại đường Luỹ Bán Bích, quận Tân Phú) không khỏi ngạc nhiên vì phí giao hàng tăng cao.
“Trước đây chỉ mất khoảng 15.000-20.000 đồng, tuỳ vào khung giờ đặt hàng cho quãng đường như vậy. Nhưng giờ tăng gần gấp đôi nhưng cũng rất khó để tìm được shipper" - anh Tấn Hoài cho hay.
Nhiều người dân cũng phản ánh giá cước giao hàng trong quận, huyện tại TPHCM đang ở mức cao. Theo khảo sát, đa số các hãng xe công nghệ đều tăng phí giao hàng.
Tuy nhiên, các hãng xe công nghệ lý giải hiện số lượng shipper hoạt động bị hạn chế nguyên nhân do nhiều tài xế ngại việc lấy mẫu xét nghiệm liên tục và bị giới hạn khả năng nhận đơn do chỉ được chạy nội quận, huyện. Ngoài ra, điều kiện làm việc, đi lại khó khăn do dịch COVID-19 đã dẫn tới nhiều shipper không mặn mà với công việc. Điều này đã dẫn tới thuật toán của ứng dụng tự động điều chỉnh giá giao hàng lên cao để cân bằng cung cầu.
Trước tình trạng số lượng shipper vẫn ít so với nhu cầu của khách hàng, các ứng dụng kiến nghị tăng thêm số lượng tài xế được tham gia vận chuyển. Trước đây, 70% đơn hàng giao liên quận, trong khi hiện nay chỉ giao nội quận cũng ảnh hưởng đến tỉ lệ nhận cuốc của tài xế và nhu cầu chuyển hàng của khách. Các hãng đề xuất có thể nghiên cứu cho phép chạy liên quận để đáp ứng các đơn hàng của khách hàng.
Hiện TPHCM đã cho phép đội ngũ shipper trong phạm vi một quận, huyện, Thành phố Thủ Đức cũng được phép hoạt động từ 6h đến 21h hàng ngày để đảm bảo phục vụ nhu cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân.
Theo Sở Công Thương TPHCM, tính đến ngày 5.9, có khoảng 10.000 shipper nhận đơn hàng giải quyết được hơn 1 triệu đơn hàng cho người dân.
Xem thêm: odl.994159-oac-gnah-oaig-ihp-reppihs-meih-od-gnah-aum-ohk-nav-mchpt-nad-iougn/gnourt-iht/nv.gnodoal