Chính phủ yêu cầu tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những việc chưa cấp bách phục vụ cho công tác phòng chống dịch. Trong ảnh: Thủ tướng thăm và động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch tại miền Nam - Ảnh: VGP
Nghị quyết về phương án sử dụng nguồn kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 vừa được Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký ngày 9-9 đã đồng ý với phương án trên.
Cụ thể, với nghị quyết này, Chính phủ nhất trí thông qua phương án sử dụng nguồn kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương để bổ sung nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021, tập trung chi cho phòng, chống dịch COVID-19 như đề nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 161/TTr-BTC. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về nội dung và tính chính xác của số liệu báo cáo.
Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung 14.620 tỉ đồng số kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 vào nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để thực hiện nhiệm vụ trên.
Trước đó, trong nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 của Quốc hội khóa XV do Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành, đã yêu cầu Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương ưu tiên sắp xếp, bố trí ngân sách nhà nước và các nguồn lực hợp pháp khác để bảo đảm kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cơ sở điều trị người bệnh COVID-19.
Thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% chi phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ kinh phí hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, kinh phí hoạt động ngoại giao của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 không tính tiền lương và các khoản thu nhập khác.
Thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
TTO - Các lãnh đạo bộ ngành và địa phương cần nhận thức về tình hình kinh tế - xã hội đất nước còn rất nhiều khó khăn, thách thức, song không bi quan, dao động, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh để biến khó khăn thành động lực để nỗ lực phấn đấu, vươn lên.