Các doanh nghiệp đang "kiệt sức" vì dịch COVID-19, cần giải pháp hỗ trợ đột phá như "liều kháng sinh mạnh" để vực dậy sản xuất, vượt qua đại dịch.
Doanh nghiệp "kiệt sức" vì ảnh hưởng của COVID-19
Theo ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI), thách thức lớn nhất đối với cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến căng thẳng hiện nay là qua 4 đợt dịch, doanh nghiệp đang dần kiệt sức và cạn kiệt nguồn tiền bởi những đứt gãy nghiêm trọng về chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu và nhân lực lao động.
Ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh: Trong điều kiện khó khăn hiện nay, doanh nghiệp đang mất cân bằng giữa 3 trụ cột: Vốn tài chính, vốn xã hội và vốn môi trường. Trong đó, đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến nguồn vốn tài chính và nguồn vốn xã hội của doanh nghiệp.
"Cạn tiền và khủng hoảng nhân sự đang là những vấn đề cốt tử của các doanh nghiệp hiện tại. Bên cạnh yếu tố tác động tiêu cực từ đại dịch, thì khả năng quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng yếu kém cũng là một nguyên nhân lớn” - ông Nguyễn Quang Vinh chỉ rõ.
Về những khó khăn của doanh nghiệp, mới đây, Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa công bố khảo sát nhanh về tình hình việc làm, thu nhập của người lao động và tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 từ tháng 5.2021 đến tháng 8.2021 với trên 21.517 doanh nghiệp và hộ kinh doanh tham gia.
Kết quả cho thấy, tỉ lệ số doanh nghiệp “tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch” chiếm tỉ lệ cao nhất là 69%. Số doanh nghiệp cố gắng “duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh” mặc dù không thể hoạt động toàn công suất chiếm 16%. Số doanh nghiệp “giải thể, ngừng hoạt động kinh doanh chờ giải thể” là 15% (tương đương với 3.272 doanh nghiệp)...
Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa khiến nguồn cung nguyên liệu bị đứt gãy. Doanh nhân Nguyễn Hoàng Anh - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam miền Trung - cho biết: "Tôi có nhà máy sản xuất nước mắm với công suất 25 triệu lít/năm, nhưng do không có nút chai, tem nhãn, hộp đựng... nên không thể sản xuất, đành phải đóng cửa".
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), cùng với những khó khăn nêu trên, chi phí thuê container và giá cước vận tải biển tăng quá cao (từ 2-4 lần), điển hình giá cước vận tải tới các cảng bờ phía Đông nước Mỹ đã lên tới 18.000-20.000 USD/container, với mức cước này, đã có một số nhà nhập khẩu sản phẩm gỗ từ Việt Nam phải tìm kiếm nguồn cung ứng khác có cước phí vận tải thấp hơn gây nhiều bất lợi cho ngành chế biến, xuất khẩu đồ gỗ.
Doanh nghiệp cần "liều kháng sinh mạnh"
Mới đây, đại diện 11 hiệp hội, ngành hàng cũng đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị có giải pháp hỗ trợ để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, hiện 70% doanh nghiệp thủy sản đã ngừng hoạt động, 30% còn lại chỉ hoạt động cầm chừng với công suất chỉ 30-40%.
"Với những khó khăn trên, hầu hết các doanh nghiệp không hoàn thành các đơn hàng đã nhận, hoặc phải giãn thời gian giao hàng; dự báo trước mắt cũng như trong trung hạn và dài hạn, nếu tình hình không được cải thiện thì doanh nghiệp ngành gỗ có thể phải đối diện với nguy cơ mất khách hàng, mất các thị trường chiến lược" - ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Viforest nhấn mạnh.
Do đó, cùng với các giải pháp như đẩy mạnh tiêm vaccine, cho phép doanh nghiệp chủ động các giải pháp phòng chống dịch COVID-19, Chính phủ cho phép áp dụng linh hoạt một số chính sách phù hợp.
Đại diện Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso) - bà Phan Thị Thanh Xuân - đề nghị thực hiện những giải pháp tập trung vào phục hồi sản xuất theo hướng sản xuất an toàn để khắc phục và vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19. Ngoài các chính sách về thuế và phí, doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ cước phí vận chuyển…
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) cũng đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, sắp xếp và chỉ đạo có một cuộc họp trước ngày 18.9.2021 với các Hiệp hội ngành hàng để các Hiệp hội, đại diện các cộng đồng doanh nghiệp, được báo cáo, chia sẻ sự chung tay cùng Chính phủ trong công tác chống dịch, cũng như các sáng kiến, đề xuất, kiến nghị để phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn...
Xem thêm: odl.585159-hcid-iad-auq-touv-peihgn-hnaod-cus-ioh-ed-hnam-hnis-gnahk-ueil-nac/et-hnik/nv.gnodoal