Tencent và NetEase thống trị thị trường game online Trung Quốc. Đây cũng là thị trường game lớn nhất thế giới - Ảnh: REUTERS
Các nguồn thạo tin của báo South China Morning Post (SCMP) tiết lộ nhà chức trách Bắc Kinh đã cảnh cáo đại diện Tencent và NetEase trong cuộc triệu tập ngày 8-9.
Nguồn tin của SCMP cho biết việc phê duyệt trò chơi mới sẽ bị tạm dừng "trong một thời gian" vì ưu tiên là "cắt giảm số lượng tựa game mới" và "giảm nghiện game online".
Theo các nguồn tin này, vẫn chưa rõ lệnh cấm sẽ kéo dài trong bao lâu nhưng sẽ ảnh hưởng lớn đến Tencent và NetEase, hai nhà phát hành game online lớn nhất Trung Quốc.
Theo bản tóm tắt cuộc triệu tập ngày 8-9 do Tân Hoa xã đăng tải, các đại diện của Tencent và NetEase được yêu cầu thực thi nghiêm quy định giới hạn thời gian chơi game với người dưới 18 tuổi.
Ngoài ra, hai công ty được yêu cầu phải "làm sạch" các tựa game bằng cách loại bỏ những gì nhà chức trách mô tả là lệch lạc, bao gồm "tôn thờ đồng tiền" và "tình yêu đồng tính".
Tencent và NetEase cũng được nhắc nhở rằng không được tối đa hóa lợi nhuận mà quên đi các ảnh hưởng của game online đến xã hội, phải đảm bảo thanh thiếu niên không nghiện game.
Sau khi bị cảnh cáo, Tencent và NetEase đã lập tức chấp hành. Trong thông báo ngày 9-9, Tencent cho biết công ty sẽ hoãn ra mắt tựa game trên smartphone được mong đợi nhất trong năm nay là League of Legends: Wild Rift.
Thông báo giải thích ngắn gọn việc phát hành sẽ dời đến sau ngày 1-10 để tiến hành thêm "các thử nghiệm khác", theo SCMP.
Đây không phải là lần đầu Trung Quốc cấm phát hành game online mới. Hồi năm 2018, lệnh cấm dài 9 tháng đã khiến 28.000 công ty trong lĩnh vực phát triển game đóng cửa trong hai năm 2018 và 2019.
Động thái lần này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tiến hành chấn chỉnh diện rộng các lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến người trẻ.
Ngoài vấn đề nghiện game online, các cơ quan quản lý của Bắc Kinh cũng siết chặt việc kiểm soát nạn fan cuồng và yêu cầu loại bỏ nghệ sĩ nam nhưng ẻo lả và "thiếu nam tính", các chương trình mà họ cho là ảnh hưởng xấu đến thanh thiếu niên.
TTO - “Các đơn vị phát thanh và truyền hình không được phát sóng các chương trình tìm kiếm tài năng, chương trình tạp kỹ và chương trình thực tế", Cục Quản lý phát thanh và truyền hình quốc gia Trung Quốc cho biết trong thông báo ngày 2-9.