Chiều 9-9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Tại buổi họp báo, các cơ quan chức năng đã có những phản ứng xung quang việc báo chí dùng từ "bom hàng" trong việc cung ứng hàng hóa cho người dân những ngày giãn cách xã hội ở TP.HCM.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM. Ảnh: TÁ LÂM
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết đối với các hãng xe công nghệ (shipper), không có phản ánh tình trạng đặt hàng nhưng không nhận.
Còn đối với trường hợp đi mua hàng hộ, ông Hà khẳng định có tình trạng đặt hàng nhưng không nhận hàng. Xác minh hơn 200 trường hợp, có 6 nhóm nguyên nhân, chủ yếu do nguyên nhân khách quan.
Tuy nhiên, tiêu đề báo chí phản ánh làm người dân hiểu nhầm. Vì vậy, ông Hà đề nghị các cơ quan báo chí giật tít tựa chính xác hơn tránh để người dân hiểu sai bản chất vấn đề, ảnh hưởng tiêu cực.
Ông Lê Quang Tự Do nói tại họp báo. Ảnh: TÁ LÂM
Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, vụ việc Thượng tá Lê Mạnh Hà vừa cung cấp là kiểm tra về shipper, không có chuyện “bom hàng”.
“Chắc chắn không có chuyện bom hàng qua shipper. Tuy nhiên một số báo đăng "không có chuyện bom hàng đi chợ hộ", khiến cho số đông người dân phản ứng, thậm chí mạt sát chính quyền và đặc biệt chửi bới cả chương trình Dân hỏi - Thành phố trả lời” - ông Tự Do nói và đề nghị báo chí chấn chỉnh lại vấn đề này.
Trước đó, trong cuộc họp báo chiều 8-9, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết sau khi nhận được phản ánh về hiện tượng “bom hàng”, Công an TP.HCM đã chỉ đạo công an các địa phương cùng phòng nghiệp vụ làm việc với các hãng xe công nghệ (shipper đi chợ hộ). Tuy nhiên, các hãng này trả lời chưa ghi nhận hiện tượng “bom hàng” hoặc xử lý được theo quy định của công ty.
Đối với lực lượng hỗ trợ tại các quận, huyện và TP Thủ Đức, ông Hà cho biết Công an TP.HCM đã ghi nhận hiện tượng đặt hàng nhưng không nhận hàng tại TP Thủ Đức, quận 4, 6, Bình Thạnh, Bình Tân và Tân Phú. Công an TP.HCM đã làm việc với 200 trường hợp đặt mua hộ nhưng không nhận hàng.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết Công an TP.HCM đã xác định có 6 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “bom hàng”, như: người dân không rành về công nghệ, khi thao tác đặt hàng trùng đơn nhưng không biết cách hủy; shipper không tìm được địa chỉ được giao; người dân hủy đơn hàng nhưng hệ thống không cập nhật; đơn hàng giao quá lâu; sai mặt hàng; đơn hàng bị trùng lặp nhiều lần.
Trong thời gian tới, Công an TP.HCM sẽ tiếp tục chỉ đạo công an các địa phương và phòng nghiệp vụ làm rõ nếu có phản ánh về việc “bom hàng” như thời gian qua.