Ngày 9-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Nghị quyết của Chính phủ đặt mục tiêu đến hết năm 2021 phấn đấu lũy kế ít nhất khoảng 1 triệu lượt khách hàng là DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh. Đại đa số các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế.
Bên cạnh đó, miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động... cho các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết với nhiều giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong dịch Covid-19
Nghị quyết của Chính phủ quyết nghị 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, giao rõ cho từng bộ, ngành và địa phương.
Nhóm giải pháp thứ nhất là thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Trong nhóm giải pháp này, Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vắc-xin theo các nghị quyết của Chính phủ, bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm, bao gồm người lao động của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp...
Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng cơ chế, hướng dẫn, tạo điều kiện, khuyến khích DN nhập khẩu vắc-xin; Nhà nước thực hiện việc kiểm tra chất lượng, cấp phép, bảo quản và tổ chức tiêm vắc-xin miễn phí cho mọi người dân; mua máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch, thuốc điều trị Covid-19; sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị Covid-19 trong nước.
Đồng thời, hướng dẫn cụ thể các địa phương về việc xét nghiệm và các điều kiện cần thiết đối với người lao động làm việc tại các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh để sớm được tham gia lưu thông và các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh triển khai kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa tới 100% cấp huyện, cấp xã; ban hành Sổ tay điện tử hướng dẫn ứng phó với Covid-19; hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ làm việc trực tuyến, từ xa; xử lý nghiêm việc đưa tin thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng, xuyên tạc gây hoang mang trong nhân dân theo quy định pháp luật.
Nhóm giải pháp thứ hai là đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng.
Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất “luồng xanh” vận tải đường bộ và đường thủy toàn quốc, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa an toàn, thông suốt trên nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận lợi.
Chính phủ yêu cầu không quy định thêm các điều kiện, giấy phép cản trở lưu thông hàng hoá, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân và vật tư, nguyên liệu sản xuất; không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ chỉ đạo, các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho các thương nhân, DN thu mua, tạm trữ thóc, gạo, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong nhóm giải pháp thứ 2 này, các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính được giao nhiệm vụ đảm bảo cân đối vật tư, hàng hóa quan trọng, thiết yếu đối với sản xuất và đời sống; hỗ trợ hoạt động xuất khẩu hàng hóa và xúc tiến thương mại; thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan hải quan tạo thuận lợi cho DN trong việc làm thủ tục, thông quan hàng hóa nhanh nhất, thuận lợi nhất.
Đối với các địa phương, Chính phủ yêu cầu sớm thống nhất với các DN về phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh tại địa phương. Trong việc lưu thông hàng hoá, Chính phủ yêu cầu các địa phương không tạo ra các loại giấy phép "con", các điều kiện cản trở lưu thông hàng hóa, không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của DN.
Nhóm giải pháp thứ ba là hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) khẩn trương trình cấp có thẩm quyền và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành chính sách liên quan đến giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn nhằm kịp thời hỗ trợ cho người lao động, DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các đối tượng sử dụng lao động khác, hoàn thành trong tháng 9-2021.
Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nghiên cứu, đề xuất miễn tiền phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 theo quy định, hoàn thành trong tháng 9-2021.
Chính phủ giao Bộ GTVT ngay trong tháng 9-2021 chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chính sách giá dịch vụ liên quan đến hoạt động hàng không nhằm hỗ trợ các hãng hàng không. Ngoài ra, yêu cầu các DN vận tải biển niêm yết công khai, minh bạch về giá cước vận tải biển và tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với các DN vận tải biển.
Đối với Bộ VH-TT-DL, Chính phủ chỉ đạo cơ quan này chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan sớm cho phép DN dịch vụ lữ hành được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023, giảm thời gian giải quyết hoàn trả tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 60 ngày xuống còn 30 ngày.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ yêu cầu khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi, thời gian được áp dụng chính sách.
Nhóm giải pháp thứ tư là tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia.
Chính phủ yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH trong tháng 9-2021, chỉ đạo các địa phương thực hiện linh hoạt, nới lỏng một số quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới nhưng phải tuyệt đối an toàn về phòng, chống dịch Covid-19.
Nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục rút gọn trong tháng 9-2021 về việc cho phép DN, hợp tác xã thỏa thuận với người lao động điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng phù hợp với diễn biến dịch với điều kiện đảm bảo tổng số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm.
Bộ Ngoại giao tiếp tục thực hiện quyết liệt "ngoại giao vắc-xin"; vận động, thúc đẩy đối tác cung cấp vắc-xin đúng cam kết về số lượng và thời hạn, sớm chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19, hỗ trợ trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế; đẩy nhanh việc đàm phán, công nhận lẫn nhau về "hộ chiếu vắc-xin" với các quốc gia, vùng lãnh thổ, đối tác nhằm mở cửa nền kinh tế khi điều kiện cho phép, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9-2021.
Trong nhóm giải pháp thứ tư này, Chính phủ chỉ đạo các địa phương áp dụng thống nhất quy định cách ly y tế tập trung đối với người nhập cảnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ngoài ra, nghiên cứu có giải pháp hỗ trợ cho các DN tại địa phương thu hút lực lượng lao động quay trở lại làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, các cơ sở sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; chủ động xây dựng phương án hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động từ các địa phương khác trở về, góp phần đảm bảo an sinh cho người lao động và trật tự an toàn, xã hội.