Ông Nguyễn Phương Lam - giám đốc VCCI Cần Thơ - Ảnh: LÊ DÂN
Ông Nguyễn Phương Lam, giám đốc VCCI Cần Thơ, nói với Tuổi Trẻ Online doanh nghiệp đã ‘kiệt sức’ rồi, cần có lộ trình sớm mở cửa trở lại.
* Ông có thể nói rõ hơn về "sức khỏe’ của doanh nghiệp ở Cần Thơ hiện nay?
- Theo ghi nhận của VCCI trong 3 tháng qua, từ khi dịch bệnh bùng phát, doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL đã kiệt sức để chống chọi với dịch bệnh.
Cụ thể, chỉ riêng TP Cần Thơ đã có gần 10.000 doanh nghiệp chính thức đóng cửa, đặc biệt trong tháng 8 vừa qua cả ĐBSCL chỉ còn chưa đến 250 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, sản xuất 20-40% công suất trong tổng số 75.000 doanh nghiệp. Điều này, cho thấy tác động khủng khiếp của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế toàn vùng.
* Vậy cộng đồng doanh nghiệp mong muốn gì ở chính quyền TP Cần Thơ để sớm phục hồi sản xuất, thưa ông?
- Rõ ràng là doanh nghiệp chờ được phép tái sản xuất kinh doanh như "một cá thể chờ nguồn nước trong khô hạn" và muốn chính quyền hỗ trợ: chi phí test COVID-19 định kỳ, các chính sách về quản lý như giấy phép đi lại, vận chuyển, mô hình sản xuất... cần nới lỏng và thuận lợi hơn.
Mong muốn chính quyền TP Cần Thơ đẩy nhanh việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo nghị quyết 68 và quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ để doanh nghiệp có nguồn lực và điều kiện tái sản xuất.
- Ông có cho rằng, chính quyền TP Cần Thơ đã quá thận trọng khi vẫn "đóng chặt" việc áp dụng chỉ thị 16 toàn TP trong khi các địa phương khác trong vùng đã từng bước mở cửa?
- Tôi nghĩ TP Cần Thơ kéo dài giãn cách đến ngày 18-9 là có lý do. Tuy nhiên cần nhận diện mức độ nào có thể bỏ giãn cách là quan trọng, nhất là quan điểm được Thủ tướng nêu phải "sống chung" hay phải chấp nhận dịch bệnh kéo dài, thay cho kỳ vọng "Zero COVID".
TP.HCM, Bình Dương, Long An... với hàng ngàn ca nhiễm mỗi ngày nhưng cũng đã tính tới kế hoạch mở cửa từ 15-9, trong khi Cần Thơ chúng tôi nhận thấy chính quyền quản lý dịch bệnh khá tốt với mức bình quân 13 ca nhiễm ngoài cộng đồng/ngày liên tục trong 2 tuần vừa qua thì việc kéo dài giãn cách là quá thận trọng.
Cần nói thêm, bình quân mỗi tháng, nguồn thu thuế từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đóng góp khoảng 450 tỉ đồng. Nếu sản xuất đình trệ, nguồn thu ngân sách của TP sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng.
Công ty may xuất khẩu Hào Tân, ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh: LÊ DÂN
- Theo ông, những lĩnh vực nào cần được TP Cần Thơ ưu tiên hoạt động trở lại và việc kiểm soát nên thế nào?
- VCCI cùng các chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, kiến nghị với lộ trình mở cửa, nhóm ngành ưu tiên và phương cách tổ chức sản xuất như sau:
Nhóm ngành sản xuất đông công nhân, điều kiện sản xuất trở lại: lao động được tiêm vắc xin (1 mũi và 2 mũi); lao động vùng xanh được đi làm nhưng có kiểm soát thông qua xét nghiệm định kỳ, doanh nghiệp chưa từng có ca nhiễm... là những điều kiện ưu tiên cho hoạt động ngay và tất cả được thực hiện theo mô hình "con người xanh - doanh nghiệp xanh - tuyến đường xanh".
Nhóm ngành nông nghiệp, nuôi trồng cung ứng nguyên liệu nông thủy sản, ưu tiên tiêm vắc xin ngay cho nhóm đối tượng là thương lái vận tải, bốc vác, người thu mua nguyên liệu...
Nhóm ngành thương mại dịch vụ, ưu tiên tái khởi động chợ truyền thống. Sớm ưu tiên nhà hàng, cơ sở ăn uống... thực hiện bán mang về và tại chỗ với quy định giãn cách trên diện tích phục vụ.
Việc này sẽ giải quyết ngay thu nhập hằng ngày cho các cơ sở nhỏ cũng như lượng lao động đang chờ trợ cấp, giảm áp lực cho TP.
- Ngoài các kiến nghị trên, ông có hiến kế gì để TP Cần Thơ thực hiện tốt mục tiêu kép khi mở cửa trở lại?
- Theo tôi, TP Cần Thơ cần thực hiện song hành nhiều giải pháp, khoanh vùng dịch bệnh an toàn (vùng xanh) để quản lý di chuyển của người lao động. Cùng đó là trao quyền kiểm soát cho doanh nghiệp, bởi giấy phép đi lại giữa nơi làm việc và nơi cư trú thì doanh nghiệp nắm chặt hơn và công nhân sẽ phải cam kết, vi phạm thì bị sa thải thay vì chỉ mức phạt hành chính.
Chính quyền TP Cần Thơ cần xây dựng lộ trình mở cửa phù hợp. Theo chúng tôi, cần sớm nhất có thể gỡ bỏ giãn cách, giai đoạn I (từ nay đến 15-9) mở cửa nội vi TP; giai đoạn II (từ 15-9 đến 30-9) kết nối các địa phương trong vùng và giai đoạn III (từ tháng 10) kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM để hàng hóa được tiêu thụ và xuất khẩu thuận lợi.
Nếu gỡ bỏ giãn cách mà không kết nối các tỉnh trong vùng và TP.HCM thì không giải quyết được bài toán kinh tế và kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo báo cáo của các đơn vị, trong số gần 10.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại TP Cần Thơ đã có hơn 9.800 doanh nghiệp tự giác đóng cửa.
Trong khi đó, theo Sở Công thương, số doanh nghiệp sở đang theo dõi là 1.090 doanh nghiệp, tính đến 15h ngày 8-9, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là 1.006/1.090, chiếm 92,29%. Số lao động đã nghỉ việc là 65.293/69.936, chiếm 93,36%.
TS Trần Hữu Hiệp: chống dịch không nên "cá mè một lứa"
Đã có chỉ dấu cho thấy riêng ở Cần Thơ có hơn 90% doanh nghiệp ngừng hoạt động và tình trạng này không thể kéo dài mãi, vì càng kéo dài càng thêm khó khăn.
Ở Khánh Hòa và một số nơi còn đang tính tới người đã tiêm 2 mũi vắc xin sẽ được ra đường; thậm chí TP.HCM là vùng dịch nghiêm trọng nhất cả nước mà bí thư, chủ tịch TP nói rằng không thể kéo dài chỉ thị 16 mãi được.
Điều đó cho thấy nhiều địa phương đã chuyển cách tiếp cận, nơi nào dịch bệnh chuyển biến tốt hơn thì có biện pháp khác, không thể giải pháp cứng hoài, cũng không thể buông lỏng.
Do đó, phải khu biệt hóa tùy tình hình dịch bệnh, chia trên bản đồ theo vùng xanh, vàng, cam, đỏ và tùy vùng mà có những biện pháp khác nhau. Không thể toàn TP Cần Thơ là vùng đỏ hết hoặc vùng xanh hết được.
Biện pháp phải từ cách tiếp cận và tư duy vùng, Cần Thơ không thể đứng một mình được vì Cần Thơ là trung tâm, là đầu mối giao thông, phân phối mà nghẽn tại đây thì cả vùng nghẽn.
Thứ hai là cần đề ra biện pháp phải thích ứng hỗ trợ về công nghệ như đẩy mạnh tiêm vắc xin đã làm và đang làm. Tại sao Cần Thơ không công bố bản đồ dịch bệnh theo 4 màu để người dân biết, các địa phương biết mà ứng xử? Còn tiếp cận theo việc ký văn bản hiện nay là cách tiếp cận hành chính bình thường, trong khi phòng chống dịch cần phải nhanh, mở mạng lên là biết liền.
Theo tôi, tình hình dịch những ngày qua ở Cần Thơ cho thấy có chuyển biến tốt hơn, nhưng biện pháp vẫn cứng nhắc như cũ thì không ổn. Các quận Bình Thủy, Ninh Kiều có những phường số ca nhiễm nhiều phải phong tỏa thì phải chấp nhận, nhưng cả TP mà "cá mè một lứa" thì không hợp lý… Cần Thơ không chỉ mỗi mình Cần Thơ, mà vai trò trong vùng là đầu mối lưu thông, nếu nghẽn tại đây thì cả vùng nghẽn. Các tỉnh có nỗ lực thì luồng xanh hàng hóa vẫn bị nghẽn khi TP vẫn theo chỉ thị 16 với biện pháp cũ.
TTO - Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình chỉ đạo các sở, ngành có liên quan khẩn trương tham mưu chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế sau ngày 15-9, hoàn thành các nội dung trước 16h ngày 8-9.
Xem thêm: mth.29081256190901202-cus-teik-ad-peihgn-hnaod-hnirt-ol-oeht-auc-om-nen-oht-nac/nv.ertiout