Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới ảnh hưởng lớn tới nhiều ngành sản xuất, tuy nhiên, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam vẫn ổn định, thậm chí giá xuất khẩu hạt tiêu tháng 8/2021 còn đạt mức cao nhất từ năm 2018 đến nay.
Hiện, hạt tiêu Việt Nam có mặt tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Khối lượng hạt tiêu xuất khẩu chiếm 60% hạt tiêu xuất khẩu trên thế giới với nhiều sản phẩm phong phú như tiêu đen, tiêu xanh, tiêu trắng, tiêu bột, tiêu ngâm dấm…
Hạt tiêu Việt Nam nổi tiếng thế giới
Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tác động của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 khiến xuất khẩu hạt tiêu giảm mạnh trong tháng 8/2021. Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 8/2021 đã đạt 3.736 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất của hạt tiêu xuất khẩu từ tháng 1/2018. Mức giá này đã tăng 3,4% so với tháng 7/2021 và tăng mạnh 49,4% so với tháng 8 năm ngoái.
Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 8/2021 đã đạt 3.736 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất của hạt tiêu xuất khẩu từ tháng 1/2018. (Ảnh minh họa)
Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt 3.321 USD/tấn, tăng 51,1% so với cùng kỳ năm 2020. Giá hạt tiêu xuất khẩu tăng mạnh đã đóng góp rất lớn vào mức tăng chung của toàn ngành hạt tiêu Việt Nam. Đây được coi là tín hiệu rất tích cực trong bối cảnh giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản khác giảm.
Đáng chú ý, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính tăng, ngoại trừ Trung Quốc, Ai Cập. Xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay sang Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất tăng 74,6% về lượng và tăng 185% về trị giá, đạt 11.630 tấn, trị giá 39,81 triệu USD.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định, việc thay đổi tư duy, trồng tiêu theo hướng hữu cơ, chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm đã giúp hạt tiêu của Việt Nam chinh phục được thị trường trong và ngoài nước với giá thành cao hơn. Với mức giá như hiện tại cao gấp đôi năm ngoái nên nhiều hộ dân đã trồng mới lại cây tiêu.
Thông tin tại Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm gia vị và hương liệu Việt Nam 2021 diễn ra ngày 8-9/9, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, với lợi thế địa lý trải dài trên nhiều vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, Việt Nam có sự đa dạng sinh học rất khác biệt để tạo ra được những sản phẩm nông sản gồm các loại gia vị và hương liệu có hương vị rất đặc trưng khác biệt với những sản phẩm cùng loại trên thế giới.
Ông Tài cũng đánh giá, trong số các loại gia vị của Việt Nam, hạt tiêu là loại gia vị đã rất nổi tiếng trên thị trường thế giới và chiếm tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nhiều nhóm ngành hàng khác, thì xuất khẩu hạt tiêu vẫn tiếp tục giữ ổn định.
Nâng cao chất lượng, giữ vững thương hiệu, mở rộng thị trường
Nhận định về cơ cấu chuyển dịch của hạt tiêu Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, năm 2021, hạt tiêu của Việt Nam có sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu sản phẩm xuất khẩu. Dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng giảm về lượng, nhưng tăng mạnh về trị giá, trong khi xuất khẩu hạt tiêu đen xay và hạt tiêu trắng xay tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng dự báo, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ đối mặt với khó khăn trong những tháng cuối năm. Xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường chính có xu hướng chậm lại hoặc giảm mạnh. Hiện, lượng hạt tiêu còn lại trong dân không nhiều, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu cũng không mấy "mặn mà" do giá cước phí vận chuyển tăng "phi mã" và các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại nhiều địa phương rất nghiêm ngặt.
"Xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong 1-2 tháng tới có nhiều hạn chế do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong khi tình trạng ùn ứ tại các cảng biển phía nam cùng giá cước tàu biển vẫn duy trì ở mức cao sẽ là trở ngại đối với xuất khẩu hạt tiêu. Giá hạt tiêu cũng được nhận định khó có thể tăng mạnh do nguồn cung cải thiện khi Indonesia, Malaysia và Brazil bước vào vụ thu hoạch trong tháng 8 và tháng 9", đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Do đó, để có ưu thế cạnh tranh trên thị trường gia vị và hương liệu trên thế giới, sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, các địa phương và doanh nghiệp cần có kế hoạch khôi phục sản xuất, ứng dụng các công nghệ tiên tiến phục vụ chế biến, phát triển đa dạng loại hình sản phẩm, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia gần đây để thúc đẩy xuất khẩu.
Về phía các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, sản lượng gia vị của Ấn Độ đạt khoảng 3 triệu tấn mỗi năm. Gia vị cũng là sản phẩm xuất khẩu tỷ đô của nước này. Ấn Độ cũng nhập khẩu nhiều gia vị, trong đó có hồ tiêu. Ấn Độ nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam khoảng 25-30 triệu USD/năm.
Do đó, để gia vị, hương liệu của Việt Nam xuất khẩu thành công sang Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng khuyến nghị, các doanh nghiệp cần áp dụng khoa học công nghệ hoặc nghiên cứu phát triển sản phẩm, ví dụ nhiều loại nguyên liệu gia vị trộn thành 1 loại gia vị với hương vị đặc trưng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu hương vị của các nước để làm ra sản phẩm đáp ứng được thị hiếu của thị trường này, tạo sự cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước khác…
Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Saudi Arabia lưu ý thêm cho các doanh nghiệp, vật liệu đóng gói chính cho các loại thảo mộc, gia vị và gia vị ở Saudi Arabia nên là thủy tinh, bao bì linh hoạt, giấy và bìa, nhựa cứng và các loại khác. Các thùng đóng gói có nhiều loại khác nhau như lọ, chai, túi, gói, bồn, hộp, túi và ống.
Đối với thị trường châu Âu, ông Phạm Văn Hiển, Giám đốc Công ty LTP Import Export B.V Hà Lan chia sẻ, để gia vị Việt thâm nhập vào thị trường châu Âu, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ thị trường khối này. Nếu các công ty chưa có phòng nghiên cứu thị trường thì có thể tham gia hội chợ như Anuga của Đức để quảng bá sản phẩm, tham khảo thông tin trên trang website của các hiệp hội, ngành nghề châu Âu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.38600743290901202-ioig-eht-iv-aig-od-nab-nert-uad-ihg-man-teiv-ueit-tah/et-hnik/nv.vtv