vĐồng tin tức tài chính 365

Cho bán mang đi nhưng chủ quán chưa dám 'mạo hiểm thêm'

2021-09-10 07:23
Cho bán mang đi nhưng chủ quán chưa dám mạo hiểm thêm - Ảnh 1.

Shipper nhận đơn hàng tại một quán chè trên đường Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh hoạt động trở lại sáng 9-9 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Theo các doanh nghiệp, vẫn cần nhiều thời gian để ngành dịch vụ ăn uống thực sự trở lại được trong điều kiện khó khăn hiện nay. Không chỉ những chuỗi lớn, ngay cả những hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ cũng muốn mở bán lại nhưng không dễ trong bối cảnh "thiếu đủ thứ" hiện nay.

Lượng khách hàng không đủ bù chi phí

Ngày 9-9, tiệm cơm Chinh Ký trên đường Vũ Huy Tấn (Phú Nhuận) vẫn "cửa đóng then cài" sau 2 tháng TP.HCM tạm ngưng dịch vụ bán hàng mang đi. 

Ông Bùi Quốc Dũng (chủ tiệm) cho biết vẫn chưa sẵn sàng hoạt động trở lại do các mối bán nguyên liệu (thịt gà, tôm, cá, rau củ...) tại chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh) vẫn còn đóng cửa. Hơn nữa, đội ngũ shipper còn khan hiếm, việc giao hàng gặp nhiều khó khăn, chưa kể số lượng khách sẽ không như kỳ vọng vì chỉ được giao hàng trong cùng một quận. 

"Giá rau củ, nguyên liệu tươi sống đã tăng rất cao, nhập hàng về mà bán không hết là lỗ đậm chứ không đơn giản. Chi phí xét nghiệm khoảng 200.000 đồng/lần, mỗi thứ mỗi ít cộng lại cũng tốn kém nên bài toán kinh tế giờ không hiệu quả, lại thêm rủi ro dịch bệnh nữa" - ông Dũng nói.

Ông Lê Xuân Trường - CEO hệ thống F&B chuyên bán hàng mang đi Tasty Kitchen - cho biết dù bán món mang đi là lợi thế của hãng nhưng chưa kịp triển khai, có thể mất vài ngày nữa. Hơn nữa, doanh nghiệp phải làm thủ tục thông báo với cơ quan quản lý địa phương nếu muốn hoạt động trở lại, rồi sắp xếp lại nhân sự, nguyên liệu, nhân viên giao hàng...

"Phần lớn nhân viên của chúng tôi đều đã về quê, một số ở trong khu vực phong tỏa, mất nhiều thời gian mới có thể quay trở lại. Dịch phức tạp, không phải ai cũng sẵn sàng đi làm lại, chưa kể các điều kiện xét nghiệm, test COVID-19 và giá nguyên liệu tăng rất cao... Chúng tôi đã chọn giải pháp chuyển sang thực phẩm cấp đông, đóng gói trong lúc này" - ông Trường nói.

Theo ông Trần Quốc Thịnh - người sáng lập hệ thống lẩu gà ớt hiểm 109 (TP.HCM), cả 9 chi nhánh của hệ thống vẫn chưa dám mở lại, do số lao động chỉ còn khoảng 40% so với bình thường, trong đó nhiều nhân viên chưa được tiêm vắc xin, lại ở trong khu vực phong tỏa nên không mặn mà với việc thực hiện "3 tại chỗ". 

"Chưa kể các chi phí thực hiện "3 tại chỗ", chi phí xét nghiệm, giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá cước shipper tăng mạnh... nên chúng tôi vẫn đang... nghe ngóng" - ông Thịnh nói.

Phải chờ tìm nguyên liệu ổn định

Chị Lê Hiếu Ngọc - chủ một tiệm phở tại Bình Thạnh - cho biết hơn 2 tháng nay chưa nấu nồi nào, dù mỗi tháng cũng phải trả tiền thuê mặt bằng khoảng 15 triệu đồng (đã được chủ nhà giảm giá) nên rất muốn sớm mở cửa trở lại. 

"Nhưng bây giờ muốn bán cũng không được vì không có bánh phở để nấu. Quán ở Bình Thạnh, lò làm bánh phở lại ở Thủ Đức nhưng không giao cho mình được. Mình nấu tốn công, tốn điện, một ngày ít nhất phải bán được 200 tô mới có lời. Nhưng giờ phí giao đồ ăn cao, có bán khách cũng ngại mua" - chị Ngọc chia sẻ.

Trong ngày 9-9, tiệm bánh mì Hà Nội trên đường Trần Não, TP Thủ Đức, đã bắt đầu mở cửa hàng trở lại. Tuy nhiên, anh Tuấn - chủ tiệm - cho biết vẫn chưa thể bán bánh mì thịt vì không có đủ nguyên liệu như rau, hành ngò, các món ăn kèm. 

"Những nguyên liệu này thường được các tiểu thương ở chợ đầu mối giao tận nơi nhưng giờ các tiểu thương này chưa đi làm lại. Nhân viên cũng về quê, nên giờ tôi phải tự xoay thôi" - anh Tuấn cho biết.

Ông A. - đại diện chuỗi thức uống ở TP.HCM - cho biết sau khi TP có thông báo, đội ngũ quản trị đã bàn bạc để có thể tái hoạt động, cuối cùng gút lại vẫn phải tạm ngưng do gặp khó về nhân sự và đội ngũ giao hàng. Nhiều nhân sự của chuỗi này nhiễm COVID-19, một số khác về quê hoặc sống trong khu phong tỏa. 

"Đội ngũ giao hàng cũng phụ thuộc vào các đối tác, nhưng các đối tác cũng đang gặp khó do thiếu shipper nên chúng tôi chỉ duy trì số ít nhân viên "3 tại chỗ" để cung cấp miễn phí thức uống đến các bệnh viện dã chiến, các chốt kiểm soát thay vì tái kinh doanh" - ông A. nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Trường - giám đốc Công ty hải sản Hoàng Gia (TP.HCM) - cho biết đã mở lại 7 trong 9 cửa hàng để duy trì công việc, giữ chân nhân viên và khách hàng. Tuy nhiên, do đứt gãy nguồn cung ứng nên lượng hàng đơn vị nhập về chỉ bằng 30% so với bình thường. 

Việc thực hiện "3 tại chỗ" cho hơn 50 nhân viên tốn hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. "Trong khi đó, 80-90% đơn hàng giao qua shipper nhưng giá cước đã tăng gấp 3 lần bình thường nên nguy cơ thua lỗ rất cao" - ông Trường lo lắng.

Cho bán mang đi nhưng chủ quán chưa dám mạo hiểm thêm - Ảnh 2.

Quán ăn ở quận Bình Thạnh, TP.HCM vẫn đang đóng cửa - Ảnh: BÔNG MAI

Không dám mạo hiểm thêm

Nhiều chủ quán cho biết vẫn đợi đến khi nào người dân được ra đường mua sắm mới dám mạnh dạn bán trở lại. 

"Phí giao hàng shipper rất cao, có chăng khách ăn một lần chứ khó quay lại lần 2, lần 3. Một hộp cơm 100.000 đồng thì hỏi bao nhiêu người sẽ ăn? Bán kiểu này thấy không ổn, chưa kể thêm nhân công, nguyên liệu hàng hóa cũng đang cao nên lỗ là cái chắc" - chị Thành, chủ tiệm cơm tấm ở TP Thủ Đức, cho biết.

Trong khi đó, ông Hoàng Văn Tiễn - giám đốc điều hành chuỗi cà phê Coffee Bike - cho biết đã tái khởi động 4 lần kể từ khi dịch bùng phát đến nay trong khi điều quan trọng của ngành ẩm thực F&B là tính ổn định. 

"Mỗi lần khởi động lại như vậy đều rất tốn kém chi phí dọn dẹp, sửa sang, nhân sự... Do đó, tôi và nhiều chuỗi F&B khác đều quan sát thêm, chứ không mạo hiểm bán liền. Có thể 2 tháng nữa vẫn chưa ổn để bán lại" - ông Tiễn chia sẻ.

Cũng theo ông Tiễn, các chủ nhà đang giảm giá thuê mặt bằng, nếu khởi động bán lại giá sẽ trở về như cũ, nhưng chưa chắc kinh doanh hiệu quả. Việc mở cửa hàng ngay rất khó, vì chi phí nguyên vật liệu như cà phê bị đội lên cao do phí vận chuyển. 

Chẳng hạn, phải chuyển hạt cà phê xanh từ các vùng nguyên liệu như Đắk Lắk, Lâm Đồng... vào TP.HCM, sau đó chuyển đến nhà máy rang xay, rồi giao tới các quán ở nhiều quận huyện trong TP.

Tuy nhiên, việc giao liên quận khó khăn và chi phí rất cao, đẩy giá nguyên liệu tăng từ 30% trở lên. 

"Ngày trước giao 10kg cà phê đi từ quận Tân Phú tới quận 5 có giá khoảng 30.000 đồng, nhưng bây giờ chi 250.000 đồng nhiều khi vẫn không có người giao. Bài toán lớn nhất của việc kinh doanh hiện nay là tháo gỡ khó khăn trong việc giao hàng liên quận. 

Khi việc giao hàng thuận tiện, không chỉ giúp chi phí bán hàng của người bán giảm xuống mà người mua cũng dễ chi tiêu hơn" - ông Tiễn cho hay.

Dịch bùng phát nhiều lần, nhiều hệ thống đã thu gọn mô hình kinh doanh, cắt giảm chi phí bằng cách trả lại những mặt bằng nằm ở mặt tiền lớn, chỉ giữ lại các mặt bằng nhỏ để vận hành xe cà phê lưu động vì "đóng mở rất nhanh gọn lẹ". 

"Việc cho mở bán lại dịch vụ ăn uống mang đi là tín hiệu tốt, nhưng thực tế còn rất nhiều khó khăn để các doanh nghiệp có thể vận hành. Vì vậy, cơ quan quản lý cần tiếp tục đồng hành, cùng tháo gỡ để cuộc sống có thể nhanh chóng trở lại" - ông Trần Văn Trường nói.

Thực khách ngán phí giao hàng

Ngày 9-9, anh Minh - chủ tiệm bánh mì ở TP Thủ Đức - cho biết đã nhận được đơn hàng sau khi mở cửa nhưng rồi đành phải hủy vì không tìm được shipper. Trong khi đó, một số cửa hàng phải liên hệ với khách mua để tự đi giao nếu cùng phường.

Cũng trong buổi sáng 9-9, ông Nguyễn Văn Tư (tài xế Grab) cho biết đã bắt đầu giao bún, phở đã chế biến cho một số bếp ở quận Bình Thạnh. Tuy nhiên, những điểm bán hàng mang đi này không phải là các cửa tiệm mà là các bếp gia đình nằm sâu trong hẻm, chủ yếu nấu và rao trên mạng, sau đó đặt shipper đến giao hàng.

Ông Tư cho hay chỉ đến nhận hàng và giao đi cho khách, không biết bếp này được phép mở hay không, rồi người bán đã test COVID-19 hay chưa.

Trong khi đó, nhiều tài xế xe công nghệ cho biết đơn hàng được giao trong ngày chủ yếu là mặt hàng như thịt cá, rau củ tươi sống chứ đơn giao các đồ ăn được chế biến sẵn rất hiếm.

"Sáng giờ tôi chưa nhận đơn bún bò, hủ tiếu, cà phê... nào. Mới nhận giao mấy đơn rau củ, thịt cá thôi. Bây giờ nhiều chốt chặn, tài xế phải chạy vòng vòng, đoạn đường xa hơn mọi khi" - ông Ngô Minh Vương (tài xế giao hàng) chia sẻ lý do phí giao hàng cao.

Không chỉ khan hiếm shipper, mà giá ship leo thang chóng mặt cũng làm nhiều người tiêu dùng ngần ngại. Anh Hùng (Bình Thạnh) cho biết phí giao tô bún bò 50.000 đồng cho khoảng cách chưa đến 500m là 30.000 đồng.

"Nếu tính thêm tiền ship nữa thì thành một tô đặc biệt mà trong ngày thường mình đã không dám ăn, giờ dịch khó khăn hơn nữa" - anh Hùng nói.

Phí ship tăng cao do... thuật toán tự điều chỉnh?

ttr-1762 1(read-only)

Lực lượng shipper giao hàng tại quận 7, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Ngày 9-9, nhiều ứng dụng cung cấp dịch vụ shipper như Grab, Be và Baemin cho biết đã mở lại dịch vụ giao thức ăn trên app. Tuy nhiên, số lượng hàng quán mở cửa hoạt động còn khá ít.

Đại diện Grab cho biết ngay trong ngày đã triển khai lại dịch vụ GrabFood với hàng ngàn tài xế tham gia giao hàng. Hãng Beamin cũng đang cập nhật số lượng cửa hàng mở cửa lên trên hệ thống, tránh tình trạng khách vào đặt nhưng tài xế tới nơi chỉ thấy "cửa đóng then cài". BeGroup cũng tăng thêm 1.000 shipper tại TP.HCM và đang thúc đẩy triển khai dịch vụ "đi chợ hộ" với combo đặt sẵn.

Theo quy định, các hàng quán chỉ được bán mang về thông qua shipper chứ không bán trực tiếp cho người dân ở TP.HCM. Tuy nhiên, tại các "vùng xanh" người dân khi đặt hàng trên các ứng dụng như Grab, Shopee Food, Baemin... phải chờ từ 10 - 15 phút để có tài xế nhận đơn, còn ở "vùng đỏ" rất khó tìm tài xế nhận cuốc.

Ông Nguyễn Việt Linh - giám đốc truyền thông BeGroup - cho rằng tình trạng chủ cửa hàng còn nghe ngóng tình hình, chưa sẵn sàng mở cửa, một phần cũng e ngại lượng shipper vẫn còn ít. Cùng với đó tài xế bị giới hạn khả năng nhận đơn do chỉ được chạy nội quận, huyện nên không kịp đáp ứng nhu cầu của khách. Trước giãn cách 70% đơn hàng là giao liên quận.

Ngoài khan hiếm shipper, giá cước giao hàng của các ứng dụng cũng neo ở mức cao so với trước giãn cách. Hầu hết các hãng đều tăng phí giao hàng, cự ly 3-5km giá tới 30.000 - 40.000 đồng, cao hơn 5.000 - 10.000 đồng so với trước giãn cách.

Theo các hãng xe công nghệ, số lượng shipper hoạt động bị hạn chế do nhiều tài xế ngại việc lấy mẫu xét nghiệm liên tục và bị giới hạn khả năng nhận đơn do chỉ được chạy nội quận. Shipper khan hiếm, trong khi nhu cầu tăng cao nên thuật toán của ứng dụng tự động điều chỉnh giá giao hàng lên cao để cân bằng cung cầu.

CÔNG TRUNG

Bán hàng online, giao nhận trực tuyến ở TP.HCM được hoạt động trở lạiBán hàng online, giao nhận trực tuyến ở TP.HCM được hoạt động trở lại

TTO - Bên cạnh cho phép dịch vụ ăn uống bán mang đi, TP.HCM cũng cho phép bán hàng online, dịch vụ giao nhận trực tuyến được hoạt động trở lại thông qua shipper, doanh nghiệp vận tải, bưu chính và logistics...

Xem thêm: mth.32085912290901202-meht-meih-oam-mad-auhc-nauq-uhc-gnuhn-id-gnam-nab-ohc/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cho bán mang đi nhưng chủ quán chưa dám 'mạo hiểm thêm'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools