Ngày 9-9, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức cuộc họp trực tuyến để thống nhất về kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc theo mô hình du lịch cách ly khép kín.
Đã có quy trình đón khách
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang, từ tháng 10 tới, Phú Quốc sẽ chính thức đón khách du lịch quốc tế đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có độ an toàn cao về phòng chống dịch Covid-19 như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc), Nga, Ý, Úc hay tại một số khu vực như châu Âu, Mỹ, Trung Đông… theo mô hình du lịch cách ly khép kín. Nhóm khách này sẽ được nhập cảnh qua cảng hàng không quốc tế Phú Quốc hoặc thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến (charter flight) hay chuyến bay thương mại.
Được chọn thí điểm đón khách du lịch quốc tế là tín hiệu vui cho người dân và những người làm du lịch ở Phú Quốc .Ảnh: HOÀNG TUẤN
Để bảo đảm an toàn cho công tác phòng chống dịch, khách phải có chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 được Bộ Y tế công nhận. Thời gian tiêm mũi 2 ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh. Khách cũng có thể sử dụng "hộ chiếu vắc-xin" là giấy chứng nhận đã được điều trị khỏi bệnh Covid-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận với mốc thời gian từ lúc xuất viện tính đến ngày nhập cảnh không quá 12 tháng. Trong trường hợp đột xuất, khách phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận (bằng tiếng Anh) với kết quả khẳng định âm tính và có đăng ký tham gia chương trình Tour du lịch trọn gói của doanh nghiệp (DN) lữ hành do Sở Du lịch đề xuất.
UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã yêu cầu các đơn vị lữ hành, vận chuyển khách du lịch, cơ sở lưu trú, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ khác phục vụ khách du lịch khi tham gia đón khách du lịch quốc tế phải bảo đảm các tiêu chí về phòng chống dịch cũng như chất lượng dịch vụ tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường… Đặc biệt, toàn bộ nhân viên, người lao động tiếp xúc trực tiếp với khách du lịch phải được tiêm chủng ngừa Covid-19 đủ liều.
Các DN lữ hành khi tham gia mô hình này phải có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế với thời gian hoạt động từ 3 năm trở lên và có thị trường nguồn khách phù hợp với thị trường được cơ quan có thẩm quyền lựa chọn thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. Riêng đối với cơ sở lưu trú phải đạt 3 - 5 sao hoặc đủ điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch. Khách du lịch quốc tế phải được ở trong khu lưu trú riêng biệt để bảo đảm việc giám sát y tế, không ảnh hưởng đến hoạt động của khách du lịch khác, không tiếp xúc với cộng đồng. Đặc biệt, có phòng/khu vực lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và có khu vực cách ly theo quy định trong trường hợp phát hiện ra khách bị nhiễm SARS-CoV-2. Các đơn vị vận chuyển phải tập huấn cho nhân viên phục vụ về an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong quá trình vận chuyển và phải bảo đảm phương tiện đa dạng, chất lượng cao.
Vừa mừng vừa lo!
Theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch, thời gian thực hiện thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc là 6 tháng, kể từ đầu tháng 10 năm nay và được chia làm 2 giai đoạn. Khách du lịch cần chuẩn bị các giấy tờ cần thiết về điều kiện nhập cảnh được quy định và đăng ký chương trình du lịch của các D lữ hành được phép cung ứng chương trình du lịch. DN lữ hành tập hợp danh sách, thông tin của khách du lịch và gửi cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an kiểm tra ít nhất 72 giờ trước chuyến bay.
Trước khi nhập cảnh, khách du lịch cài đặt và khai báo y tế qua ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn (Vietnam Safe Travel - VST) trên điện thoại thông minh trước khi khởi hành, lưu mã QR trên điện thoại thông minh hoặc in mã QR ra giấy (đối với trường hợp đặc biệt: người già, trẻ nhỏ, người khuyết tật không sử dụng điện thoại thông minh) để xuất trình tại cửa khẩu.
Khi nhập cảnh, du khách cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là thông điệp 5K; xuất trình các giấy tờ có liên quan cho cán bộ kiểm dịch và cán bộ kiểm soát xuất nhập cảnh; di chuyển theo phân luồng đến khu vực chờ đón về nơi lưu trú; tuân thủ các biện pháp cách ly y tế ngay tại cửa khẩu nếu có dấu hiệu nghi ngờ mắc Covid-19. Tại đây, khách sẽ được kiểm tra khai báo y tế và các giấy tờ có liên quan; đo thân nhiệt, khám sàng lọc Covid-19 và làm các thủ tục nhập cảnh và được phân luồng ra khu vực chờ đón đến nơi lưu trú. DN lữ hành phải bảo mật và lưu trữ thông tin hành trình du lịch tại Việt Nam của khách và chỉ được sử dụng trong công tác phòngchống dịch Covid-19.
Trong thời gian 7 ngày từ khi nhập cảnh, khách du lịch chỉ được tham gia các hoạt động tại nơi lưu trú. Sau 7 ngày, khách sẽ được bố trí lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Khi có kết quả âm tính, du khách có thể được tham quan các địa điểm trong chương trình du lịch trọn gói, tuân thủ chặt chẽ lịch trình, các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 theo quy định. Trong trường hợp có kết quả dương tính hoặc nghi lây nhiễm sẽ được điều trị hoặc cách ly (có thu phí) theo quy định của Bộ Y tế.
Theo ông Phạm Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, đợt dịch này Phú Quốc cũng như các địa phương trong cả nước gặp nhiều khó khăn như người lao động mất việc làm; đóng cửa nhiều nhà hàng, khách sạn, hoạt động du lịch phải ngưng toàn bộ. Nhưng để đón được khách quốc tế, toàn bộ người dân trên đảo phải tiêm đủ 2 mũi vắc-xin mới chấp nhận đón khách đến với "đảo ngọc".
Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cũng khẳng định để đáp ứng điều kiện đón khách du lịch quốc tế thì dân cư và người lao động ở Phú Quốc phải được tiêm chủng đạt từ 70% miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mới có gần 37.000 người dân từ 18 tuổi trở lên ở Phú Quốc được tiêm vắc-xin mũi 1 (đạt hơn 35%) và gần 8.000 người tiêm mũi 2. Ngoài ra, trong số 40.000 người làm việc tại các DN ở Phú Quốc cũng mới chỉ 6.000 người được tiêm mũi 1 và khoảng 2.000 người tiêm mũi 2. Đã vậy đến nay, Phú Quốc không còn vắc-xin để tiêm cho người dân địa phương và cả ở các DN. Do đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã kiến nghị các bộ, ngành sớm phân bổ lượng vắc-xin theo dự kiến ban đầu là khoảng 300.000 liều để tiêm 2 mũi cho toàn bộ người dân và người lao động làm để đáp ứng đầy đủ yêu cầu đón khách du lịch đến địa phương trong thời gian tới theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Là một người dân, cũng là chủ cơ sở lưu trú ở Phú Quốc, ông Võ Thành Nhơn chia sẻ ông vừa mừng vừa lo khi nghe "đảo ngọc" được Chính phủ chọn làm nơi thí điểm đón khách du lịch quốc tế. "Mừng vì khách du lịch đến mọi người có công ăn việc làm, DN không bị phá sản, vì nếu việc đóng cửa kéo dài thêm vài tháng nữa, chúng tôi phải bán resort để trả nợ ngân hàng. Còn lo lắng là vì người dân trên đảo vẫn chưa tiêm vắc-xin đầy đủ nên tôi mong khâu kiểm soát dịch phải chặt chẽ hơn nữa khi đón khách du lịch" - ông Nhơn chia sẻ.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-9
(Còn tiếp)
Phải an toàn và bền vững
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều DN du lịch rất quan tâm đến kế hoạch mở cửa trở lại thị trường du lịch để đón khách, trong đó có thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc.
Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, đánh giá việc thí điểm ở Phú Quốc là phù hợp. Quan trọng là việc mở cửa lần này cần sự an toàn và bền vững, không thể mở "hấp tấp" khi chưa hoàn thiện và chưa lường trước hết rủi ro để rồi lại phải tạm đóng cách làm trước đây đối với khách trong nước, sẽ khó bền vững. "Phục vụ khách quốc tế không cho phép chúng ta để xảy ra việc này, vì sẽ làm thiệt hại rất lớn cho du khách, đơn vị tổ chức tour, ngành du lịch và quan trọng là hình ảnh du lịch Việt Nam" - ông Trần Thế Dũng nói.
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Images Travel (chuyên đón khách châu Âu tới Việt Nam), cũng cho rằng thời điểm này là phù hợp cho việc xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai thí điểm đón khách quốc tế trở lại Việt Nam. Có điều, thí điểm đón khách quốc tế với khách Đông Âu, khách Nga, do họ chuộng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng ở một nơi cố định nên có thể triển khai ở Phú Quốc và một số điểm đến khác. "Nhưng riêng với khách Tây Âu thiên về du lịch trải nghiệm, tham quan, khám phá nên nhu cầu của họ là đi nhiều và cần một kế hoạch rõ ràng từ 6 tháng đến 1 năm, không thể đột ngột tháng này công bố đón khách, tháng sau có thể triển khai ngay. Do đó, điều DN cần lúc này là nhà nước cần công bố kế hoạch cụ thể theo từng giai đoạn đón khách quốc tế và khách nội địa. Cần chiến lược rõ ràng như cuối năm 2021 hay đầu năm 2022 sẽ mở cửa trở lại thị trường khách du lịch nào, để từ đó DN có định hướng bắt tay ngay vào việc chuẩn bị để khôi phục" - ông Nguyễn Ngọc Toản kiến nghị.
Thái Phương
Xem thêm: mth.73555122290901202-couq-uhp-ohc-iuv-ueih-nit-ial-ort-hcahk-ud-nod-hcaoh-ek-nel/et-hnik/nv.moc.dln