Ông Peter Jennings - giám đốc điều hành của Viện Chính sách Chiến lược Úc – bày tỏ hy vọng về việc chính phủ Úc và Tập đoàn Hải quân của Pháp đồng ý đẩy nhanh tiến độ bàn giao các tàu ngầm đang được đóng ở Adelaide.
Hồi năm 2016, Úc đã đưa vào vận hành hạm đội tàu ngầm mới trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương gia tăng khi Trung Quốc bắt đầu quân sự hóa Biển Đông.
Tuy nhiên, chương trình đã bị cản trở vì các đợt giảm chi phí, trễ tiến độ và bất đồng về các cam kết sử dụng nhà thầu trong nước.
Sau cuộc gặp với những người đồng cấp Pháp hồi tháng 8, ông Dutton và Ngoại trưởng Úc Marise Payne đã nhất trí bắt đầu đàm phán về “tăng cường và đa dạng hóa hoạt động hợp tác quân sự của giữa Pháp với Úc, nhằm hỗ trợ thế trận lực lượng của Pháp trong khu vực”.
Đàm phán hợp tác quân sự với Úc, Pháp có thể sẽ tiếp cận căn cứ hải quân Úc. Ảnh: SYDNEY MORNING HERALD
Theo ông Jennings, có khả năng Pháp sẽ hiện diện quân sự nhiều hơn trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sẽ là lý tưởng để thực hiện điều này từ Úc.
“Khả năng một tàu hải quân Pháp hiện diện tại HMAS Stirling [ở Tây Úc] hoặc thậm chí ở Cảng Sydney sẽ là một cách mạnh mẽ để Pháp thể hiện lợi ích của mình đối với an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương. Và nếu họ làm điều đó, không có quốc gia nào tốt hơn Úc để tổ chức sự hiện diện đó” – ông Jennings nói thêm.
Máy bay chiến đấu của Pháp vào năm 2022 dự kiến sẽ tham gia cuộc tập trận “Pitch Black” của Không quân Hoàng gia Úc, trong khi Pháp năm 2023 sẽ lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận hải quân Talisman Sabre được tổ chức ngoài khơi bờ biển Queensland cùng với Mỹ và Úc.
Người phát ngôn của Đại sứ quán Pháp tại Canberra cho biết khu vực này đang chứng kiến "những thay đổi chiến lược sâu sắc và Pháp đang nỗ lực duy trì một khu vực rộng mở và bao trùm, không có sự ép buộc và dựa trên chủ nghĩa đa phương và tôn trọng luật pháp quốc tế”.
“Trong bối cảnh đó, Úc là đối tác lớn của Pháp ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chúng tôi muốn tăng cường mối quan hệ quốc phòng song phương của mình” – người phát ngôn nói thêm.
“Trong những năm tới, Lực lượng Vũ trang Pháp sẽ tiếp tục xem xét việc phát triển khả năng liên kết với Lực lượng Phòng vệ Úc để có thể cùng hoạt động trong khu vực và trên toàn cầu” – quan chức này nói thêm.
Theo Sydney Morning Herald, trong năm nay, quân đội Pháp đã có một số chuyến thăm đến Úc, cụ thể là chuyến thăm của khinh hạm Vendémiaire đền cảng Darwin hay Lực lượng Hải quân Pháp hiện đang tham gia các cuộc tập trận chung với các binh sĩ Úc.
Canberra cũng đang hợp tác cùng các quốc gia châu Âu khác để tăng cường sự hiện diện quân sự của họ trong khu vực.
Úc và Đức hồi tháng 6 đã ký một “quan hệ đối tác chiến lược nâng cao”, cam kết tăng cường “hợp tác an ninh và quốc phòng, bao gồm thông qua đào tạo và tập trận, đặc biệt trong lĩnh vực hàng hải và quan hệ đối tác với các nước trong khu vực”.