Khu cách ly "đặc biệt" tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế do chính quyền và bà con trong xã chung tay lập ra - Ảnh: TUẤN PHƯƠNG
Đó là khu cách ly do bà con trong xã dựng lên và chung tay cùng chính quyền lo kinh phí hỗ trợ người cách ly.
Cuối tháng 7, TP.HCM bùng dịch. Tôi thất nghiệp. Nỗi lo cơm gạo, tiền nhà trọ và nguy cơ nhiễm bệnh ngày một lớn dần, tôi bàn với em trai "đánh liều" chạy xe máy về Huế.
Được lên ôtô về khu cách ly ở Trung tâm giáo dục quốc phòng ĐH Huế (thị xã Hương Thủy), tôi chỉ mong thời gian cách ly qua thật nhanh để được về nhà gặp lại người thân. Nhưng rồi điều không may xảy đến, gần hết thời gian cách ly tập trung, tôi thành F0.
Hơn 10 ngày sau, cầm tờ giấy xuất viện trong tay, tôi đếm từng giây để được đi về nhà. Thế là sắp được gặp lại người thân trong gia đình, được ăn những món ngon do chính tay mạ (mẹ) nấu.
Về đến trung tâm y tế của xã Phú Thuận để khai báo y tế, tôi được cán bộ ở đây tư vấn rằng bà con cùng chính quyền xã có chung tay lập một khu cách ly tập trung. Tôi có thể chọn đến đó để cách ly miễn phí thay vì cách ly ở nhà, giảm nguy cơ lây bệnh cho người thân.
Để an toàn cho chính người thân của mình và cộng đồng, tôi chọn tiếp tục đi cách ly tập trung ở khu cách ly của xã.
Ở đây, tôi được ở một phòng riêng với đầy đủ tiện nghi như quạt, giường... Nhiều người khác từ vùng dịch trở về, sau khi hoàn thành cách ly tập trung cũng chọn được ở đây thay vì tự cách ly tại nhà.
Mỗi ngày chúng tôi được cấp đủ 3 bữa ăn sáng trưa tối, bữa nào cũng chất lượng và đủ dinh dưỡng, được xét nghiệm COVID-19 theo đúng quy định. Đọc báo thấy tin Huế phát hiện nhiều ca F0 trong cộng đồng là người đang thuộc diện cách ly y tế tại nhà do không tuân thủ quy định cách ly, tự ý tiếp xúc với nhiều người làm lây lan dịch ra cộng đồng.
Nghĩ về mình ở nơi này, thấy mấy anh dân phòng, y tế giữa trưa nắng mà phải khoác lên mình bộ áo quần bảo hộ kính mít đi chuẩn bị cơm cho người cách ly như mình mà thương vô hạn. Có anh dân phòng nhà cách khu cách ly chỉ vài trăm mét nhưng cũng lâu rồi anh không được ghé về.
Giữ an toàn, phòng lây nhiễm cho gia đình chúng tôi, có những người gác hạnh phúc riêng. Chia sẻ khó khăn với chúng tôi, người dân hảo tâm đóng góp với chính quyền cùng lo những bữa ăn không tính phí.
Tôi kể lại chuyện này để cảm ơn những tấm lòng quê nhà, lòng chỉ mong mọi người tuân thủ các quy định giám sát y tế. Rồi cơn bão COVID-19 qua đi, ai cũng sẽ được về nhà.
Người dân chung tay cùng chính quyền
Ông Đặng Tiến Tùy, chủ tịch UBND xã Phú Thuận, cho biết để tránh nguy cơ người hết cách ly tập trung về địa phương cách ly tại nhà có thể thành F0 rồi lây COVID-19 ra cộng đồng, UBND xã Phú Thuận đã mượn cơ sở của Trung tâm thí nghiệm thực hành của Trường ĐH Nông lâm (Đại học Huế) làm nơi cho bà con tiếp tục cách ly và theo dõi y tế 14 ngày.
Chi phí vận hành khu cách ly này từ nguồn xã vận động sự ủng hộ của người dân và các nhà hảo tâm.
Ngoài xã Phú Thuận, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang làm theo mô hình này.
Ông Nguyễn Đình Bách, chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết nhiều xã trên địa bàn đã vận động người dân hoàn thành cách ly tập trung tiếp tục cách ly tại đình làng, nhà văn hóa...
"Trước khi người về những điểm này cách ly, chính quyền địa phương đều cho người đến thẩm định điều kiện ăn ở, giám sát y tế. Lực lượng chức năng của địa phương giám sát chặt chẽ việc cách ly, không để lây lan dịch bệnh ra ngoài trong trường hợp xét nghiệm có F0 ở đây", ông Bách nói.
NHẬT LINH
TTO - Phó thủ tướng vận động người dân TP.HCM phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ những gia đình có F0 đang điều trị tại nhà bằng cách chia sẻ thức ăn, động viên tinh thần để họ lạc quan vượt qua dịch bệnh.
Xem thêm: mth.93385950101901202-ax-o-teib-cad-yl-hcac-uhk/nv.ertiout