Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến thế giới phải kinh ngạc với công nghệ tác chiến trên không không người lái độc đáo của nước này. Giờ đây, Thổ Nhĩ kỳ chuẩn bị đảo ngược khái niệm “máy bay yểm trợ trung thành” với máy bay không người lái quân sự mới nhất Akinci của nước này.
Máy bay chiến đấu không người lái Akinci của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: The EurAsian Times
Các nước lớn đang tìm cách bảo vệ những máy bay chiến đấu đắt tiền của họ bằng việc cho bay cùng với những máy bay không người lái (UAV) tương đối rẻ hơn, một khái niệm thường được gọi là máy bay yểm trợ trung thành (loyal wingman). Điều này đem đến cơ hội cho chiến cơ và UAV chiến đấu cùng nhau và chia sẻ trách nhiệm ngang nhau trong cuộc chiến.
Khái niệm “máy bay yểm trợ trung thành”
Ý tưởng máy bay yểm trợ trung thành là kết hợp một máy bay chiến đấu với một máy bay tự động giá thành thấp (LCAA). Mỗi máy bay không có phi hành đoàn sẽ bay cùng với máy bay có người lái.
Xây dựng các nhóm bay như vậy mang lại nhiều lợi thế hoạt động. Đáng chú ý nhất là chúng làm gia tăng hiệu quả nhiều lần, vừa mở rộng vừa tối ưu hóa khả năng của máy bay có người lái hiện đại, đặc biệt là những máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới nhất.
Tháng 9-2019, Nga thông báo chuyến bay thử nghiệm thành công đối với tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm Su-57 khi bay cùng “người đồng hành trung thành” UAV S-70 Okhotnik. Một năm sau đó, nhà thầu quốc phòng Nga Kronstadt Group tiết lộ UAV chiến đấu Grom tại triển lãm hàng không Army-2020 ngoại ô thủ đô Moscow của Nga.
Tiêm kích Su-57 của Nga bay cùng “người đồng hành” UAV S-70 Okhotnik. Ảnh: TWITTER
UAV Grom hứa hẹn sẽ hợp tác với tiêm kích Su-35 lẫn Su-57 với vai trò là “vệ sĩ” để đàn áp hệ thống phòng không của đối phương.
Năm ngoái, Không quân Hoàng gia Úc và tập đoàn Boeing chi nhánh tại Úc tiết lộ một trong ba nguyên mẫu máy bay không người lái đang được phát triển theo khuôn khổ chương trình Hệ thống Hỏa lực Bay Đồng hành (Airpower Teaming System – ATS). UAV này sẽ làm bạn đồng hành cùng tiêm kích F-35 và máy bay E-7.
Không quân Hoàng gia Úc cũng tiến hành các cuộc thử nghiệm động cơ và đường lăn nhằm chuẩn bị cho chuyến bay thử nghiệm trong tương lai gần.
Chương trình Skyborg của Không quân Mỹ và những nỗ lực phát triển LCAA cũng đã đạt được những cột mốc quan trọng trong năm 2020. Đáng chú ý, LCAA XQ-58 Valkyrie đã kết thúc chuyến bay thử nghiệm thành công hồi tháng 4.
Tuy nhiên, trái ngược với những quốc gia này, Thổ Nhĩ Kỳ đang đảo ngược khái niệm “máy bay yểm trợ trung thành” để bảo vệ UAV Akinci nổi tiếng của nước này.
Tiêm kích F-16 có thể bảo vệ UAV Akinci
UAV Akinci mới ra mắt được coi là một trong những UAV chiến đấu hiện đại nhất. Akinci được kỳ vọng sẽ đưa lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ bước sang một giai đoạn mới trong học thuyết chiến tranh không đối không và không đối đất.
Với trần bay 12 km và thời gian hoạt động 24 giờ, Akinci sẽ miễn nhiễm với hệ thống phòng không tầm ngắn. Mẫu UAV mới có bán kính hoạt động 600 km.
Akinci sẽ có trọng lượng cất cánh tối đa 4,5 tấn và tải trọng vũ khí 1.350 kg (trong đó tải trọng bên ngoài 900 kg và tải trọng bên trong 450 kg). Akinci sẽ được trang bị hai động cơ phản lực cánh quạt Ivchenko-Progress AI-450C của Ukraine.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại lễ bàn giao chính thức UAV Akinci hôm 30-8. Ảnh: TWITTER
Thổ Nhĩ Kỳ đến nay đã nhập khẩu 12 động cơ như vậy từ Ukraine – đối tác chính của nước này trong lĩnh vực công nghệ UAV. Sáu UAV Akinci sắp được bàn giao cho Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đến cuối năm 2021.
UAV Akinci thu hút sự chú ý sau khi phá kỷ lục độ cao hàng không của Thổ Nhĩ Kỳ với việc bay ở độ cao 11,5 km trong 25 giờ 46 phút trong khi mang tải trọng vũ khí 1.360 kg trên quãng đường 7.500 km.
Theo các chuyên gia, sự xuất hiện của UAV Akinci sẽ giúp Không quân Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại hóa các quy tắc tác chiến trên không của nước này. Một ý tưởng mới đang được cân nhắc là hình dung tiêm kích F-16 được trang bị tên lửa không đối không giữ vai trò “bọc lót” cho UAV Akinci khi chúng bay tới mục tiêu của mình.
UAV Akinci sẽ tăng cường lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ, mang đến một giải pháp thay thế mới cho các nhiệm vụ tầm xa trong môi trường xung đột cường độ thấp và do đó giảm bớt gánh nặng cho F-16, theo các chuyên gia.
Chiến cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tìm kiếm máy bay chiến đấu hiện đại để thay thế phi đội F-16 đã già cỗi của nước này. Điều này càng cấp thiết khi các đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ đang nhanh chóng tăng cường khả năng trên không. Mỹ hiện đang nâng cấp hầu hết tiêm kích F-16 của Hy Lạp lên cấu hình Viper, biến chúng trở thành những chiếc F-16 tiên tiến nhất tại châu Âu.
Thêm vào đó, Hy Lạp đã đặt mua một phi đội nhỏ tiêm kích Rafale thế hệ thứ 4,5 do Pháp sản xuất và cũng có khả năng mua tiêm kích F-35 trong tương lai không xa.
Tiêm kích F-16. Ảnh: The EurAsian Times
Ai Cập cũng mua tiêm kích Rafale và được cho đã bắt đầu nhận bàn giao tiêm kích Su-35 từ Nga.
Tạp chí Forbes gần đây dẫn thông tin từ nhóm nghiên cứu độc lập BlueMelange có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Thổ Nhĩ Kỳ có khoảng 236 tiêm kích F-16, bao gồm các biến thể Block 30, Block 40, Block 50 và Block 50+, với mức độ sẵn sàng chiến đấu giảm dần.
Thổ Nhĩ Kỳ bị Mỹ áp trừng phạt vì mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, điều này đồng nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ không thể nâng cấp phi đội F-16 do Mỹ sản xuất trong tương lai gần. Vì thế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc loại biên những tiêm kích này.
Có lẽ chính điều này đã thúc đẩy chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ triển khai F-16 để bảo vệ các máy bay chiến đấu không người lái mà nước này đã chi ra số tiền lớn để nghiên cứu và phát triển.
Máy bay chiến đấu không người lái là niềm tự hào của Thổ Nhĩ Kỳ và đã mang lại hoạt động kinh doanh lớn cho nước này, và Thổ Nhĩ Kỳ không mạo hiểm đối với sự an toàn của những UAV này.