Đó là nhận định của PGS-TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại hội thảo Khoa học Quốc gia Phát triển chuỗi giá trị nông sản hướng tới nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập tại Đông Nam Á, ngày 10/9.
Theo PGS-TS Đào Thế Anh, hệ thống lương thực, thực phẩm có nhiều ảnh hưởng tới việc cung cấp lương thực, thúc đẩy nền kinh tế, tạo việc làm và sinh kế, sức khỏe, môi trường...
"Hệ thống lương thực, thực phẩm là toàn bộ các tác nhân và hoạt động gia tăng giá trị liên quan đến sản xuất, sơ chế, chế biến, phân phối, tiêu thụ và hao hụt và lãng phí sản phẩm lương thực, thực phẩm.
Hệ thống này không chỉ có ngành nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, mà gồm cả ngành công nghiệp thực phẩm, ngành y tế, rộng hơn là môi trường kinh tế, xã hội và tự nhiên", ông cho hay.
Ông cho biết, từ năm 1990 đến năm 2020, sản lượng gạo tăng 56% và xuất khẩu tăng 77%. Ngành nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản đóng góp 14,6% vào GDP quốc gia. Giá trị xuất khẩu nông, thủy sản đạt 25,4 tỷ USD vào năm 2020. Ước tính lượng rau, trái cây và thịt tiêu thụ bình quân đầu người hàng ngày đã tăng lần lượt là 21%, 80% và 62%.
Năm 2019, khoảng 28 triệu người tham gia vào lĩnh vực nông sản thực phẩm, trong đó, 20 triệu người tham gia sản xuất, 3 triệu người vào sản xuất chế tạo và 4 triệu người làm trong lĩnh vực phân phối. Tỷ lệ nghèo trung bình cả nước từ 58,1% năm 1993 xuống 2,75% năm 2021.
Ông chỉ ra 5 yếu tố khách quan ảnh hưởng đến hoạt động và hiệu quả của hệ thống lương thực thực phẩm ở Việt Nam, đó là: môi trường tự nhiên, dân số, sự đổi mới khoa học công nghệ trong cơ sở hạ tầng, chính sách của Nhà nước, văn hóa - xã hội.
Năm 2070, năng suất lúa xuân hàng năm có thể giảm 16,5% và tổng sản lượng lúa giảm 5% vào do biến đổi khí hậu. Năm 2100, dự báo 89.400 ha ở đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập úng, thiệt hại 7,6 triệu tấn lúa/năm nếu nước biển dâng 100cm.
Ông nhận định đây là những thách thức của hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam. "Ngoài ra, dịch Covid-19 đã có tác động tiêu cực lên chuỗi giá trị thực phẩm như: đứt gãy chuỗi giá trị, thiếu dịch vụ hậu cần, nhiều người mất việc làm, chi phí sản xuất gia tăng, thái độ của người tiêu dùng thay đổi...", ông nói.
Từ đó, PGS-TS đưa ra một số giải pháp để cải thiện và biến những thách thức thành cơ hội.
Cụ thể, hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam phải cải thiện khả năng chống chịu và sản xuất an toàn hơn nhờ chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái. Bên cạnh đó, tiêu dùng bền vững bằng chế độ ăn đa dạng và thực hiện nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng. Bằng cách củng cố các liên kết hợp tác xã - doanh nghiệp, xây dựng được các chuỗi giá trị thực phẩm cạnh tranh, minh bạch và công bằng. Phải biết áp dụng khoa học công nghệ và công nghệ số để minh bạch hóa chuỗi thực phẩm. Giảm lượng lương thực, thực phẩm hao hụt, lãng phí và ứng dụng kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, phải tăng cường tiếp cận, tính sẵn có của thực phẩm, và sử dụng thực phẩm trong chế độ dinh dưỡng hợp lý cho khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa nhằm giảm suy dinh dưỡng, thiếu dinh dưỡng ở mẹ và trẻ em.
Đặc biệt, tuyên truyền giáo dục và có chính sách phù hợp để kiểm soát thực phẩm không lành mạnh để tiêu thụ thực phẩm hợp lý, an toàn vệ sinh thực phẩm, chống thừa cân, béo phì, bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng.