Một vấn đề hết sức quan trọng với các doanh nghiệp hiện nay là nguồn tài chính để hoạt động sau thời gian dài phải gồng gánh để có thể sản xuất trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Cạn dòng tiền
Theo kết quả của một cuộc khảo sát trực tuyến mới đây nhất, các doanh nghiệp cho biết đang tạm ngừng hoạt động do dịch COVID-19 và tự đánh giá rằng, chỉ có thể cầm cự được từ 1-3 tháng nữa vì đã cạn kiệt dòng tiền. Cuộc khảo sát trực tuyến dựa trên phần trả lời của hơn 21.500 doanh nghiệp và hộ kinh doanh, do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) và báo VnExpress tiến hành.
Các doanh nghiệp cho biết, khó khăn lớn nhất về tình hình tài chính là việc trả tiền lương cho người lao động. Trên 71% doanh nghiệp tham gia khảo sát của cả nhóm doanh nghiệp “tạm ngừng hoạt động do dịch” và nhóm doanh nghiệp “duy trì sản xuất kinh doanh” cho hay, họ gặp khó khăn này.
Khó khăn thứ hai là trả lãi vay cho ngân hàng.
Tiếp theo là trả tiền thuê đất, kho bãi, nhà xưởng, văn phòng ở khối tư nhân.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp của cả hai nhóm gặp phải là trả nợ gốc cho ngân hàng. Tỉ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ gốc cho ngân hàng là 37% với nhóm doanh nghiệp “tạm ngừng hoạt động do dịch” và 31% với nhóm doanh nghiệp “duy trì sản xuất kinh doanh”. Để giải quyết khó khăn về dòng tiền bị thiếu hụt, giải pháp được lựa chọn nhiều ở cả doanh nghiệp “tạm ngừng hoạt động do dịch” và doanh nghiệp đang “duy trì sản xuất kinh doanh” là giảm chi phí hoạt động.
Doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ để tái sản xuất
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, cần phải mở cửa kinh tế vì sức chịu đựng của người dân, doanh nghiệp đã đến điểm giới hạn. Nếu tiếp tục giãn cách, đóng cửa sẽ dẫn đến đứt gãy, khó phục hồi kinh tế sau này.
Chia sẻ tại toạ đàm trực tuyến “Tiến trình mở cửa kinh tế TP.HCM và những vấn đề đặt ra” được tổ chức mới đây, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM- nói rằng, đang có những tín hiệu rất tốt trong việc phòng, chống dịch và công tác mở cửa thành phố trở lại, điển hình là 2 chợ đầu mối (Hóc Môn và Bình Điền). Tuy nhiên, thành phố cần có lộ trình dành cho doanh nghiệp và kế hoạch cụ thể về việc mở cửa sản xuất như thế nào, thời gian và ngày giờ cụ thể để lên kế hoạch chuẩn bị cụ thể chứ không thể ứng biến nữa.
Đặc biệt, một vấn đề hết sức quan trọng với các doanh nghiệp hiện nay là nguồn tài chính mới để tái sản xuất. Thời gian qua, các doanh nghiệp đã gồng gánh để có thể sản xuất trong điều kiện khó khăn và sức đã kiệt quệ. Các doanh nghiệp ngành thực phẩm đang chuẩn bị vào mùa sản xuất phục vụ thị trường Noel, Tết nên rất cần vốn.
“Vì thế, chúng tôi đang rất cần những hỗ trợ mới về tài chính để có thể trở lại sản xuất. Chúng tôi cần một lộ trình cụ thể để chúng tôi có thể trở lại trạng thái bình thường mới, nếu có thể thì giao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp để chúng tôi chủ động trong việc phòng, chống dịch, không chạy theo các văn bản của thành phố như trước đây nữa”, bà Lý Kim Chi đề xuất.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) cho biết thêm, có 6 yếu tố ảnh hưởng đến việc phục hồi của các doanh nghiệp ngành gỗ, gồm: nguồn nhân lực, chuỗi cung ứng, thị trường, vận hành an toàn, di chuyển và tài chính. Trong 6 yếu tố này, doanh nghiệp chỉ có thể bảo đảm việc vận hành an toàn dù việc này rất khó. Năm yếu tố còn lại đều phụ thuộc vào bên ngoài đặc biệt là vấn đề tài chính.
Nói về những biện pháp có thể hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong giai đoạn này, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, trách nhiệm của ngành Ngân hàng ở thời điểm này có thể là giảm lãi suất, giảm lệ phí, cơ cấu lại nợ, giãn nợ... Tuy nhiên, tất cả biện pháp này cũng chỉ giúp các doanh nghiệp đã vay được ngân hàng, còn các doanh nghiệp đang "sống dở chết dở" thì rất khó.
"Tôi nghĩ rằng cần phải có biện pháp mạnh hơn nữa. Các ngân hàng cần tham gia vào một tổ hợp tín dụng cho cả nước, hỗ trợ các doanh nghiệp đang bị tác động bởi dịch bệnh và cho vay vốn với lãi suất rất thấp từ 3-5%. Và cho vay với hình thức tín chấp chứ không đòi hỏi tài sản đảm bảo" - ông Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.
Xem thêm: odl.588159-taux-nas-iat-ed-hnihc-iat-ev-iom-ort-oh-nougn-iom-gnom-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.gnodoal