Ngày 8-9, TAND tỉnh Phú Yên mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Võ Ngọc Hóa (SN 1998, trú thị xã Sông Cầu) về tội tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Phiên tòa được mở do có kháng nghị của VKS.
Theo hồ sơ, tối 10-8-2020, Huỳnh Ngọc Đang điều khiển xe mô tô đến nhà một người ở phường Xuân Phú, thị xã Sông Cầu gặp Hóa để trả tiền nợ. Hóa rủ Đang mua ma túy về cùng sử dụng, Đang đồng ý.
Hoá nhờ bạn chuyển khoản 2,5 triệu đồng cho Lê Thị Mộng Thư mua ma tuý đá. Sau khi đi lấy ma túy về, Hóa gọi cho Hồng Phi Quân đến nhà tâm sự vì có chuyện buồn. Quân rủ một số người khác đến nhà Hoá.
Cả nhóm đang ngồi trong phòng ngủ của Hóa thì bị Công an thị xã Sông Cầu phối hợp với Công an phường Xuân Phú kiểm tra. Hóa lấy trong túi quần hai bì nilon bên trong có ma túy định ném đi thì bị bắt quả tang.
Quá trình điều tra xác định trước đó khoảng bảy ngày, Hóa mua ma tuý đá của một người không rõ họ tên ở khu vực Bến xe Quy Nhơn, TP Quy Nhơn, Bình Định với số tiền 700.000 đồng. Hóa đem về sử dụng một ít thì thấy chất lượng không ngon nên hàn lại rồi cất trong người cho đến ngày bị phát hiện như trên.
Xử sơ thẩm ngày 18-5, TAND thị xã Sông Cầu tuyên phạt Hóa một năm sáu tháng tù về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý. Tổng hợp với bản án ngày 25-9-2020 của TAND thị xã Sông Cầu, tổng hợp hình phạt bị cáo phải chấp hành là ba năm tù.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn xử phạt Lê Thị Mộng Thư hai năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy, Đang một năm tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy.
Sau đó, VKSND tỉnh Phú Yên kháng nghị cho rằng vật chứng vụ án khi thu giữ; khi gửi giám định; khi mở niêm phong giao, nhận đối tượng giám định và vật chứng tại kết luận giám định là không đồng nhất.
Bản án sơ thẩm xác định ngoài lần mua gói ma túy của Thư, Hóa còn mua ma tuý ở khu vực Bến xe Quy Nhơn đem về sử dụng một ít, còn lại thì cất trong người. Số ma túy này có khối lượng 0,112 gam, loại Methamphetamine.
Bị cáo Hóa đã hai lần thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy trong hai khoảng thời gian khác nhau, mỗi lần đều trên 0,1 gam và chưa lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Do đó, cần phải xem xét xử lý đối với bị cáo theo điểm b khoản 2 Điều 249 BLHS. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm lại truy tố, xét xử bị cáo theo điểm c khoản 1 Điều 249 BLHS là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng BLHS.
Tòa xử phạt bị cáo một năm sáu tháng tù là quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi tội phạm.
Theo VKS, việc điều tra của cấp sơ thẩm chưa đầy đủ, việc xét xử có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, cấp phúc thẩm không thể bổ sung, khắc phục được.
Từ đó, VKS kháng nghị, đề nghị TAND tỉnh này xét xử phúc thẩm hủy một phần bản án sơ thẩm đối với bị cáo Hóa để điều tra, xét xử lại.
HĐXX phúc thẩm đã chấp nhận kháng nghị, tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.