Đây là kết quả khảo sát Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) trong thời gian phong toả, giãn cách xã hội được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) tiến hành với 2.000 doanh nghiệp thành viên. Theo đó, chỉ số BCI đạt 15,2 điểm, mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham cho rằng, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của Việt Nam. "Nếu các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại tiếp tục kéo dài hơn nữa, các dự án đầu tư mới có thể gặp rủi ro và các công ty có thể xem xét di chuyển tới các nơi khác trong khu vực", ông nhận xét.
Kết quả khảo sát cho thấy, đa số doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam (76%) có kết quả kinh doanh không tốt trong 3 tháng qua (tháng 6-8/2021), trong đó 29% cho biết kết quả kinh doanh của họ "rất tệ". Chỉ 7% có kết quả kinh doanh tốt ở thời điểm này.
Tình hình kinh doanh của họ dự kiến "chỉ khá hơn một chút" trong 3 tháng tới. Nhìn chung vẫn sẽ ở mức không tốt (71% doanh nghiệp).
Hạn chế về vận tải, cung ứng hàng hoá (71%) và điều kiện thị trường (51%) là hai tác nhân chính ảnh hưởng mạnh nhất tới sản xuất kinh doanh.
Khoảng 56% doanh nghiệp EU tại Việt Nam đã tiêm phòng ít nhất một mũi vaccine cho nhân viên, chủ yếu các công ty có trụ sở tại TP HCM. Với phần nhỏ các doanh nghiệp còn lại, họ cho biết chưa nhận được kế hoạch cụ thể về tiêm phòng cho nhân viên (81%). 9% doanh nghiệp cho biết họ không rõ về kế hoạch tiêm vaccine cho người lao động từ nhà chức trách.
Do phong toả, giãn cách xã hội kéo dài, 18% các doanh nghiệp trong ngành sản xuất đã dịch chuyển một phần nhu cầu sản xuất, hoặc đơn hàng sang các nước khác. 16% doanh nghiệp cũng đang cân nhắc điều này. Tuy nhiên, chia sẻ tại họp báo tối 9/9 sau cuộc đối thoại với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch EuroCham Alain Cany khẳng định, "chưa doanh nghiệp châu Âu nào rời Việt Nam".
Cũng theo khảo sát của EuroCham, các doanh nghiệp EU tại Việt Nam gặp khó khi duy trì sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ". Khó khăn chủ yếu họ gặp phải là chi phí tăng cao, ảnh hưởng tới sức khoẻ và tâm lý người lao động. 71% doanh nghiệp thông tin công nhân muốn về nhà sau thời gian dài làm việc tại nhà máy. 59% doanh nghiệp cho biết chi phí cho "3 tại chỗ" quá tốn kém. 43% doanh nghiệp không đủ không gian, diện tích để duy trì "3 tại chỗ".
Trong khi đó, hơn một nửa doanh nghiệp cho hay, không có hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý và chính quyền về việc họ cần làm gì trong trường hợp xuất hiện các ca F0 tại nhà máy. Còn gần 2/3 doanh nghiệp đề nghị cần có quy tắc tập trung của Chính phủ cho hoạt động kinh doanh, thay vì để các địa phương tự quyết định.
Theo ông Alain Cany, những gì các doanh nghiệp thành viên của EuroCham cần bây giờ là một lộ trình rõ ràng cho các biện pháp hiện tại; cùng một giải pháp giải quyết các rào cản với hoạt động thương mại và cung cấp cho họ một lộ trình có thể dự đoán được để tính khởi động trở lại việc kinh doanh.
"Một trong những vấn đề cấp bách nhất bây giờ là cần có hộ chiếu vaccine điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển tự do cho những người đã được tiêm chủng trong và ngoài nước", ông nêu.
Đại diện EuroCham cũng nhấn mạnh tới việc đẩy nhanh tiêm chủng, ưu tiên những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất để cho phép mở cửa dần dần các tỉnh, thành phố, thúc đẩy các hoạt động thương mại trở lại bình thường. Cùng đó, thống nhất các quy định nhằm giảm bớt tâm lý hoang mang cho các công ty và đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt...
Những kiến nghị này đã được EuroCham nêu với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc đối thoại chiều 9/9. Kết quả cuộc đối thoại được các doanh nghiệp châu Âu đánh giá "rất hiệu quả". Họ mong các giải pháp, quyết sách của Chính phủ sẽ nhanh chóng được thực thi "mà không có sự khác biệt giữa trung ương và địa phương".
Anh Minh