Lãnh đạo Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) ngày 8/9 cho hay, cơ quan này vừa kiến nghị Thủ tướng sửa đổi nhiều chính sách liên quan đầu tư hạ tầng.
Hiện nay, theo khoản 2 Điều 69, Luật PPP, quy định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án.
Theo VARSI, các dự án đường bộ có lưu lượng giao thông lớn thì vốn nhà nước hỗ trợ gần 50% là phù hợp. Tuy nhiên, nhiều dự án ở vùng sâu, vùng xa có lưu lượng xe thấp, mức hỗ trợ Nhà nước nhỏ hơn 50% sẽ không thể triển khai theo hình thức PPP. Thực tế các dự án cao tốc Bắc Nam thời gian qua có tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dưới 50% đều không thu hút được nhà đầu tư tham gia.
Ngoài ra, việc khống chế tỷ lệ 50% này là chưa phù hợp với dự án chi phí giải phóng mặt bằng lớn, ví dụ cao tốc TP HCM - Chơn Thành chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 10.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng mức đầu tư của dự án. Do vậy vốn ngân sách hỗ trợ cho phần xây dựng dự án sẽ không đáng kể.
VARSI đề xuất sửa quy định theo hướng không khống chế tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP. Trong trường hợp quy định tỷ lệ vốn ngân sách trong dự án PPP thì cần tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án riêng.
Hiệp hội cũng kiến nghị ngân sách trung ương được chi cho các dự án giao thông của địa phương, thay vì phải rót qua cơ quan có thẩm quyền là Bộ giao thông Vận tải theo Luật Ngân sách. Ví dụ dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc (Đồng Nai - Lâm Đồng), hiện nay phần vốn ngân sách trung ương không rót qua UBND tỉnh Lâm Đồng trong khi tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại dự án mà phải thông qua Bộ Giao thông Vận tải. Việc này gây khó khăn về vốn cho các dự án giao thông lớn do địa phương đảm nhiệm.
Với các dự án hạ tầng cần huy động vốn vay, vốn trái phiếu doanh nghiệp để thực hiện dự án, VARSI đề nghị sửa Nghị định 28 cho phép doanh nghiệp được chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ ra công chúng sau khi đã ký hợp đồng dự án PPP. Bởi các quy định hiện hành, doanh nghiệp chỉ được phát hành trái phiếu không chuyển đổi. Việc trái phiếu không được chuyển đổi thành cổ phiếu hiện nay khiến hạn chế thu hút các nhà đầu tư và công chúng tham gia các dự án giao thông.
Vấn đề đáng quan tâm của nhiều nhà đầu tư là cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu dự án PPP. Thời gian qua nhiều dự án PPP đã bị sụt giảm doanh thu do các thay đổi chính sách của nhà nước như thay đổi quy hoạch, không được tăng giá vé gây ảnh hưởng đến nguồn tài chính.
VARSI kiến nghị, cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm cần được áp dụng chung với tất cả dự án PPP, cụ thể hỗ trợ mua lại các dự án BOT gặp khó khăn do thay đổi chính sách, quy hoạch. Đồng thời, nhà nước cần áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro/lợi nhuận với các nhà đầu tư dự án hiện hữu trong trường hợp doanh thu thực tế sai khác so với phương án tài chính dự kiến. Nhà nước cũng cần có hướng dẫn chi tiết các dự án đường cao tốc do Trung ương quản lý nhưng chuyển cơ quan có thẩm quyền về địa phương.
Theo PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch VARSI, gần đây việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức PPP đang bị chậm lại do nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn, tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định của các Luật và văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Do đó, Nhà nước cần rà soát để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư và ban hành các chính sách đột phá, như vậy mới đạt được mục tiêu xây dựng được 5.000 km đường cao tốc đến năm 2030.