Theo ông Trung, huyện đang theo dõi diễn biến của cơn bão số 5. Đồng thời chỉ đạo các xã có điểm dân cư có nguy cơ sạt lở đất hoàn thành phương án di dời dân trước 10 giờ trưa mai (11.9). Khi nào có lệnh thì sẽ tiến hành di dời. Trước mắt, huyện vận chuyển 14 tấn gạo đưa đến các thôn ở các xã Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc, phòng xảy ra tắc đường sau bão. Huyện cũng đã ban hành phương án thông tuyến, đảm bảo giao thông khi có sự cố xảy ra.
Bão số 5 tác động vào đất liền như thế nào? |
Mùa mưa lũ cuối năm 2020, H.Phước Sơn và H.Nam Trà My (Quảng Nam) là hai địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa bão, sạt lở gây ra khiến hàng chục người chết, vùi lấp nhiều ngôi làng, nhiều công trình hư hỏng nặng nề… Hiện nay, 17 người mất tích trong các vụ sạt lở đất, lũ quét xảy ra tại hai địa phương này vẫn chưa được tìm thấy.
Trong khi đó, theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến 15 giờ hôm nay (10.9), còn 19 tàu cá của ngư dân Quảng Nam đang nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 5.
Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tuyến biển phối hợp với chính quyền địa phương, chủ phương tiện thông báo cho các phương tiện còn đang hoạt động trên biển biết hướng di chuyển của bão số 5 để chủ động phòng tránh và thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc vào bờ neo đậu.
Bão số 5 ở cách bờ biển Quảng Trị - Quảng Nam 380 km, gây biển động mạnh |
Hoãn các cuộc họp không liên quan bão lũ
Cũng trong chiều 10.9, UBND tỉnh Quảng Nam có công điện về việc ứng phó với bão số 5.
Theo đó, yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro trong bối cảnh dịch bệnh; đình hoãn các cuộc họp không liên quan đến công tác chỉ đạo phòng chống bão lũ cho đến khi bão tan.
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển triển khai nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 17 giờ ngày 10.9, thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển đến nơi trú tránh an toàn.
Các địa phương huy động mọi lực lượng hỗ trợ người dân và các cơ quan tổ chức chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, kho tàng, trường học, cơ sở y tế... đảm bảo an toàn hoàn thành trước 18 giờ ngày 11.9.
Ngoài ra, kiểm soát, rà soát chủ động di dời, sơ tán người, phương tiện đến các khu vực nguy hiểm. Ưu tiên đến mức tối đa hình thức di dời, sơ tán tại chỗ, xen ghép.
Tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu, đối với các địa phương miền núi có nguy cơ cao xảy ra lũ ống và sạt lở đất, cần tuyên truyền, khuyến cáo người dân quan sát khi thấy dấu hiệu bất thường như nứt đất, nứt nhà, cây nghiêng, nước chảy sườn đồi đổi màu... cần chủ động di chuyển đến nơi an toàn.
Các địa phương ven biển, cửa sông rà soát đảm bảo an toàn các trụ sở sơ tán tập trung, sẵn sàng phương án sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu do ảnh hưởng của bão số 5.