Dịch COVID-19 bùng phát khiến không ít ngân hàng buộc phải đóng cửa nhiều phòng giao dịch. Nhưng điều bất ngờ, trái với lo lắng ban đầu của các ngân hàng, số lượng giao dịch ngân hàng tăng gấp đôi trong thời gian giãn cách qua các kênh online.
Những con số là minh chứng rõ ràng nhất cho việc đẩy mạnh chuyển đổi số là chìa khoá giải bài toán khó cho ngành ngân hàng và người dân trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn.
Ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB cho biết: “Chúng tôi ngỡ ngàng khi doanh số, số lượng giao dịch tăng gấp đôi trong 8 tháng đầu năm 2021. Điều này xảy ra trong bối cảnh ACB phải đóng cửa hơn 100 phòng giao dịch (2/3 phòng giao dịch trên địa bàn) trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách. Ngân hàng chúng tôi cảm nhận sâu sắc ảnh hưởng của COVID-19. Ban đầu chúng tôi rất lo lắng làm sao để phục vụ khách hàng khi phòng giao dịch bị đóng cửa. Doanh nghiệp muốn giải ngân cho xuất khẩu phải làm sao khi bị hạn chế đi lại? Khách hàng trả nợ vay ra sao? Khách hàng thanh toán cho mua hàng thiết yếu thế nào?”
Chuyển đổi số giúp ngành ngân hàng và người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch. Theo ông Từ Tiến Phát, mặc dù ACB bị đóng nhiều phòng giao dịch nhưng việc rút tiền vay, trả nợ vẫn được duy trì thông qua hệ thống 400 ATM và 50 CDM.
“Trước, tôi chỉ mong 3000 khách hàng mới. Hiện nay ngân hàng có tới 10.000 tài khoản mới mỗi ngày mở qua eKYC”, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB cho biết.
“Nó quá ưu thế!”, ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc MB nói về lợi ích của chuyển đổi số trong ngân hàng.
Theo TGĐ MB, ngân hàng giải được bài toán trải nghiệm khách hàng, tiếp cận số lượng khách hàng nhanh, không cần đầu tư mở các chi nhánh giao dịch vật lý. Ngân hàng hiểu khách hàng nhanh chóng.
Ông Lưu Trung Thái cho biết: “MB đã hoạt động được 27 năm. Trong 25 năm, MB có 4 triệu khách hàng. Thế nhưng sau khi áp dụng chuyển đổi số, số lượng khách hàng mới của chúng tôi tăng lên. Năm 2020, MB có thêm 2 triệu khách hàng mới. Năm 2021 chúng tôi có 2,5 triệu khách hàng, chúng tôi dự báo sẽ thêm 4-5 triệu khách hàng mới.
Còn về số lượng giao dịch, năm 2018 MB đẩy mạnh chuyển đổi số, mục tiêu thời điểm đó là đạt 8 triệu giao dịch/năm. Đến nay, hiện mỗi ngày MB có 1,1 triệu giao dịch”.
Ông Lưu Trung Thái cho biết: “Ngân hàng chúng tôi hướng tới tài chính toàn diện. Làm thế nào để một người dân kể cả vùng sâu vùng xa có thể mở điện thoại để mở tài khoản ngân hàng. Câu chuyện eKYC sẽ giải quyết vấn đề này. Trong thời gian tới tôi nghĩ nên nghiên cứu áp dụng blockchain trong ngân hàng để nâng cao tính công khai và minh bạch. MB hiện đã áp dụng công nghệ blockchain cho LC và thấy rất hiệu quả. Vì sao khách hàng nhỏ khó vay vốn vì vốn ngân hàng khó tin vào giao dịch nhỏ mà ngân hàng không nhìn thấy, không kiểm soát được. Nhưng nếu ngân hàng có dữ liệu giao dịch được minh bạch và an toàn nhờ công nghệ blockchain thì niềm tin sẽ tăng lên. Đây là dịch vụ các nước như Singapore và Trung Quốc đã triển khai.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có đến 95% tổ chức tín dụng đã, đang hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số; có 39% tổ chức tín dụng phê duyệt chiến lược chuyển đổi số riêng biệt hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển công nghệ thông tin; 42% các tổ chức tín dụng đang hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số.
Dự kiến trong vòng 3-5 năm tới, các ngân hàng số sẽ có mức tăng trưởng doanh thu tối thiểu là 10%, và có 58,1% tổ chức tín dụng đặt kỳ vọng thu hút hơn 60% khách hàng sử dụng kênh giao dịch số, kỳ vọng tỉ lệ tăng trưởng khách hàng đạt trên 50%.