Tính đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 335 dự án ở Phú Quốc nhưng chỉ mới có 127 dự án đi vào hoạt động và đang thi công xây dựng, đạt tỷ lệ 37,9%.
Ngày 10.9, ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã có buổi làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế TP Phú Quốc về khôi phục và phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc cho biết, mặc dù được Trung ương và tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư hạ tầng cho Phú Quốc nhằm làm đòn bẩy cho việc phát triển kinh tế - xã hội nhưng việc triển khai dự án của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế vẫn còn ít.
Số lượng dự án triển khai còn thấp là do một số doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính để triển khai dự án; các nhà đầu tư còn gặp nhiều khó khăn trở ngại trong việc tiếp cận được đất đai, đường giao thông, điện chiếu sáng, nước sạch...
Bên cạnh đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện đầu tư dự án gặp không ít khó khăn do số lượng dự án và diện tích giải phóng mặt bằng rất lớn, có tính chất phức tạp; quỹ đất, nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng các khu tái định cư còn khó khăn trở ngại. Do đó, quá trình lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng phải kéo dài, mất nhiều thời gian.
Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên số lượng khách quốc tế đến Phú Quốc ngày càng giảm mạnh. Trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư trong Khu kinh tế đạt 9.530 tỷ đồng, đạt hơn 46% kế hoạch (không có dự án khởi công mới), việc thu hút đầu tư tiếp tục giảm mạnh.
Năng lực các phương tiện giao thông đưa đón khách đến Phú Quốc không theo kịp so với số lượng phòng đã đi vào hoạt động, dẫn đến các dự án không khai thác hết công suất, chưa lấp đầy số phòng lưu trú.
Tại buổi làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế TP Phú Quốc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Minh Thành đề nghị Ban Quản lý phải xây dựng được kế hoạch và đề ra lộ trình cụ thể để đồng hành cùng nhà đầu tư duy trì sản xuất; duy trì triển khai các dự án còn đang dang dở. Ban quản lý phải cố gắng đến hết năm các dự án hoàn thành theo tiến độ góp phần khôi phục kinh tế; định kỳ hàng tháng gặp gỡ để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, khẩn trương điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cho phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung; phối hợp với thành phố làm tốt công tác quản lý đất đai môi trường, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng.
Xem thêm: odl.321259-couq-uhp-o-peihgn-hnaod-ohc-nahk-ohk-og-oaht-et-hnik-cuhp-iohk/et-hnik/nv.gnodoal