Đó là trường hợp của anh M (quê Quảng Xương, Thanh Hoá). Vốn là người buôn bán gà giống, công việc khá vất vả, thức khuya dậy sớm để lấy gà, nhập gà. Theo anh M, gần 3 năm buôn bán, anh cũng tích cóp được vài trăm triệu đồng, cuối năm 2020, anh mua một mảnh đất gần đường lớn (gần nhà), với giá 280 triệu đồng, nhằm làm của để dành cho con trai sau này.
Đến đầu năm 2021, đất Thanh Hóa lên cơn sốt nóng, nhiều NĐT từ khu vực phía Bắc vào "ôm hàng", mua đi bán lại khiến giá đất một số khu vực tại địa phương này nhảy múa liên tục trong khoảng thời gian ngắn. Lúc đó, miếng đất của anh M bỗng dưng tăng giá dựng đứng lên gần 600 triệu đồng. Vì chưa một lần đầu tư hay buôn đất gì nên với anh M, việc giá đất tăng cũng không ảnh hưởng gì đến cuộc sống, công việc buôn gà của anh hàng ngày.
Tuy nhiên, thời điểm đó, mỗi lần đi nhập gà, anh M nghe rất nhiều người dân bàn tán với nhau xung quanh chủ đề đất đai, tăng giá. Ông này bán lời bao nhiêu, chị kia bán lời cả 1 tỉ bạc trong vòng 2 tuần. Có nhiều mối nuôi gà của anh cũng bỗng dưng không còn nuôi gà nữa, mà mua xe hơi các kiểu khiến anh không thể không tò mò. Quay lại dò giá mảnh đất của mình (vốn anh không quan tâm đến việc đầu tư đất, mà coi đó là tài sản để dành sau này con cái lớn xây nhà cho con).
Ngạc nhiên, vì miếng đất anh mua cuối năm 2020 giá 280 triệu đồng, chỉ sau 2 tháng giá đã tăng lên 590 triệu đồng. Mặc dù thấy giá tăng nhưng anh M vẫn lăn tăn chưa muốn bán, vợ anh cũng không đồng ý bán, do miếng đất gần mặt đường trực lớn cũng khá đẹp. Một tuần sau đó, anh M được một nhà đầu tư trả giá 650 triệu đồng lô đất của mình. Lúc này, anh M quyết định bán (mặc sự can ngăn của vợ) với hi vọng có được số vốn này sẽ tái đầu tư (mua đi bán lại trong cơn sốt đất), kiếm thêm tiền sẽ mua được mảnh đất ngon hơn để dành.
Rồi, gần như có duyên với BĐS. Sau khi bán mảnh đất đầu tiên "trúng mánh", anh M dùng số tiền đó để lướt sóng cả đất và nhà trong lúc thị trường Thanh Hóa đang "sốt hầm hập". Chỉ trong vòng gần 3 tháng lướt sóng, số tiền anh M kiếm được lên đến hàng tỉ, trong khi số vốn bỏ ra ban đầu không mất đi.
Đã có khá nhiều NĐT "tay ngang" kiếm tiền tỉ trong cơn sốt đất tại Thanh Hóa hồi đầu năm 2021. Ảnh: Minh hoạ
Được biết, anh M tìm kiếm các mảnh đất tại gần đường lớn và chỉ giao dịch xong và sang tay trong khoảng 1-3 tuần kế tiếp. Không như nhiều NĐT khác, anh M "tận dụng" cơn sốt đất triệt để, không cố chờ lời nhuận tăng thêm mà bán khi đã nhắm được mức lời như kì vọng. Nếu nhiều người băn khoăn, tiếc nuối vì giá còn tăng thì theo anh M, đã lời là bán và mua tiếp để không bị "sơ xẩy" trong cơn sốt đất.
"Mặc dù không phải là NĐT có kinh nghiệm trong đầu tư BĐS. Nhưng lại là người kinh doanh, buôn bán bấy nhiêu năm, tôi nhận ra, trong kinh doanh, biết chớp cơ hội sẽ tốt hơn là chờ đợi thêm, nhất là khi dòng vốn của mình không dày như người khác. Cho nên, cứ mua xong nếu có lời 100 đến khoảng 300 triệu là tôi bán ra, rồi lại lướt sóng tiếp. Tìm hiểu, tôi cũng được biết, cơn sốt này có thể chỉ được vài tháng là xẹp như ở các địa phương khác trước đó, nên tôi tận dụng triệt để bài toán lướt sống, mua nhanh bán nhanh", anh M cho hay.
Anh M kể lại, căn nhà cấp 4 mua giá 400 triệu đồng, đúng một tuần sau có khách trả 500 triệu, anh M bán luôn. Và cũng đúng một tuần sau đó, đất Thanh Hóa "xì hơi". Vì ra hàng nhanh, nên gần như anh M không thiệt hại gì khi đầu tư theo cơn sốt đất. "Có thể do tôi hên, chứ nhiều NĐT cũng mua thời điểm đó, đất hạ nhiệt là gần như không ra được hàng nữa, trong đó không ít người vay ngân hàng. Đến thời điểm này thì đất xuống giá luôn rồi", anh M cho hay.
Anh M nhận mình là người may mắn, có duyên khi đầu tư đất đai, mặc dù trước đó chỉ làm công việc buôn gà. Tuy nhiên, theo cách anh M chia sẻ, nhận ra, nhà đầu tư "tay ngang" này có cách riêng để vào thị trường, biết "chớp" cơ hội trong cơn sốt đất chớp nhoáng. Không cố ham "lãi đậm" cũng là lý do khiến anh M thắng trong cơn sốt.
Hiện tại, anh M đã dùng số tiền kiếm được trong cơn sốt đất tậu 2 mảnh đất gần biển làm của để dành cho 2 con trai. Trong đó, anh M cho biết, anh vẫn vay mượn ngân hàng số vốn ít để bù vào phần mua đất và làm vốn làm ăn. Hiện anh đã quay trở lại với công việc buôn gà (vốn trước đó chỉ để vợ làm, để đi buôn đất). Với công việc và thu nhập đều đều thì số tiền trả ngân hàng không đáng lo với anh.
Như vậy, ban đầu chỉ có mảnh đất ở đường làng thì sau thời gian buôn đất thắng quả, anh M đã tậu được 2 mảnh đất ven biển làm của để dành.
"Thời điểm tôi mua, giá đất ven biển đã "xẹp", gần như về với giá trị thực trước đó, cho nên với số tiền kiếm được trong đầu tư đất, ước mơ tậu đất gần biển của tôi đã thành hiện thực", anh M chia sẻ.
Ghi nhận cho thấy, sau khi "càn quét" miền quê Thanh Hóa khoảng 3 tháng thì cơn sốt đất đã mang đến nhiều sự bất ngờ cho bà con nơi đây. Nhiều người phất lên nhanh chóng, bỗng dưng nghèo hóa giàu vì bán được miếng đất ông cha để đến hàng tỉ đồng – vốn trước đó không ai để ý. Rồi có nhà đầu tư "tay ngang" chưa một lần đầu tư đất cũng kiếm vài tỉ đồng trong cơn sốt. Môi giới BĐS thì như "mưa gặp hạn", nhiều người kiếm tiền chóng vánh, đồng thời trở thành nhà đầu tư mua đi bán lại hưởng chênh trong cơn sốt….Tuy vậy, cũng có nhiều NĐT "bỏ cọc chạy lấy người" khi chưa kịp bán ra thì cơn sốt đất xì hơi.
Tìm hiểu được biết, hiện tại đất Thanh Hóa gần như đứng giao dịch, vì chịu tác động kép từ việc đất hạ nhiệt và dịch Covid-19. Nhiều NĐT muốn bán đất ở thời điểm này là vô cùng khó khăn, giá đất cũng có hiện tượng lao dốc mạnh, gần như trở giá cả của thời điểm trước đây.
Hạ Vy
Nhịp sống kinh tế