Em Muôn Thành Tâm - học sinh lớp 8 ở huyện Bình Chánh, TP.HCM - học trực tuyến trên điện thoại của ba em - Ảnh: TỰ TRUNG
Theo giáo viên ở TP.HCM, các trường THCS, THPT ở thành phố đã dạy học theo chủ đề. Tức từ chương trình cứng của Bộ GD-ĐT, các tổ bộ môn của trường biên soạn lại bài dạy thành từng chủ đề.
Việc này nhằm giảm bớt những phần kiến thức hàn lâm, xa rời thực tế; đồng thời bài dạy phải phù hợp với trình độ của học sinh trong trường.
Cắt bớt một số bài, chưa đủ!
Nhiều giáo viên ở TP.HCM đề xuất Bộ GD-ĐT tinh gọn chương trình không chỉ là cắt bớt một số bài mà nên có hướng dẫn cụ thể về dạy học và thi cử để giáo viên thực hiện đúng tinh thần giảm tải.
"Việc giảm tải chương trình phải đi đôi với giảm tải trong đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT thì giáo viên mới yên tâm được" - cô Ng., giáo viên môn toán ở TP Thủ Đức, chia sẻ.
Tương tự, ThS Nguyễn Viết Đăng Du - tổ trưởng tổ sử, Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3 - đề nghị: "Với môn lịch sử, chương trình sắp xếp các bài học theo trình tự thời gian nên gây ngán cho học sinh. Nhiều năm nay trường tôi đã sắp xếp các bài học thành các chủ đề và tự lược bớt những phần rườm rà, khô khan.
Trong điều kiện 100% học sinh học trực tuyến như ở TP.HCM, cả giáo viên và học sinh đều quan tâm đến vấn đề thi tốt nghiệp THPT sẽ như thế nào. Tôi mong Bộ GD-ĐT công bố những sự kiện lịch sử trọng điểm trong chương trình. Như thế, giáo viên sẽ dễ chuyển tải đến học sinh hơn".
Ở môn văn, thầy Trần Lê Duy - giáo viên Trường trung học Thực hành, ĐH Sư phạm TP.HCM - cho rằng nên giảm bớt phần lý thuyết và tăng phần thực hành.
"Ví dụ chương trình lớp 11 có những bài học về phong cách ngôn ngữ và thao tác lập luận thì chỉ nên giữ lại phần lý thuyết ở mức cơ bản chứ không đào sâu. Bên cạnh đó, phần khái quát văn học cũng nên tinh gọn vì hơi khô khan, chỉ phù hợp với học sinh chuyên văn mà thôi".
"Tôi mong Bộ GD-ĐT giảm tải phần văn học trung đại bởi các tác phẩm thời kỳ này thường sử dụng ngôn từ cổ xưa, khó hiểu, không gần gũi với học sinh thời nay nên việc dạy và học cũng khó khăn theo" - cô D.M., giáo viên môn văn ở quận 10, bày tỏ.
Loay hoay xác định khung chương trình
Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai - hiệu trưởng Trường tiểu học Lưu Quý An (Vĩnh Phúc) - chia sẻ hiện giáo viên các tổ chuyên môn của trường phải loay hoay xác định khung chương trình cứng để xây dựng nội dung dạy học linh hoạt. Nếu Bộ GD-ĐT công bố sớm nội dung cốt lõi trong môn học của các lớp sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho giáo viên.
Theo cô Mai, Trường Lưu Quý An đang dạy trực tiếp tại trường, nhưng tình hình dịch bệnh khó lường nên trường cũng xác định sẽ tận dụng "thời gian vàng" này để ưu tiên dạy nội dung cốt lõi.
"Có nội dung cốt lõi chúng tôi sẽ chủ động, linh hoạt hơn. Ví dụ có thể gia giảm một số tiết cho phù hợp với nhận thức của từng lớp, nhóm học sinh. Hoặc tranh thủ dạy nội dung cốt lõi của các môn học trước, rồi xây dựng nội dung ôn tập, bổ sung kiến thức, kỹ năng có thể áp dụng bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến" - cô Mai nói.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp - hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) - cho biết: "Năm trước khi Bộ GD-ĐT công bố nội dung giảm tải chúng tôi đã thấy được tháo gỡ một phần. Trong hướng dẫn đó, các trường, các tổ chuyên môn hiểu có những nội dung dạy học có thể chuyển sang cho học sinh tự đọc, tự nghiên cứu.
Có nhiều bài học có thể tích hợp trong một chuyên đề của môn học hoặc đưa vào các chủ đề tích hợp liên môn, hoạt động trải nghiệm... Có nghĩa nhà trường được linh hoạt để áp dụng các hình thức dạy học, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm cơ sở vật chất".
Cô Nhiếp nói thêm: "Nếu sắp tới Bộ GD-ĐT ban hành nội dung cốt lõi của chương trình thì càng thuận lợi cho các trường, giải tỏa tâm lý nhỡ đâu chệch ra ngoài yêu cầu cốt lõi khi phải linh hoạt ứng biến.
Khi có nội dung này trường sẽ chỉ đạo các tổ chuyên môn rà lại, đảm bảo ưu tiên thực hiện cái cốt lõi trong điều kiện dạy học tốt nhất, có hiệu quả nhất. Tiếp đó sẽ xây dựng kế hoạch để mở rộng vận dụng kiến thức, ôn tập tùy theo môn học và nhóm đối tượng học sinh khác nhau".
Dạy hình học trực tuyến rất nhiêu khê
Một số giáo viên toán ở TP.HCM than dạy toán hình học không gian qua Internet rất nhiêu khê.
"Không phải tất cả giáo viên đều có thể mua sắm được máy móc hiện đại để dạy trực tuyến. Cũng không phải giáo viên nào cũng sử dụng thuần thục các phần mềm vẽ hình. Mà dạy hình học không gian bắt buộc phải vẽ hình, phải diễn giải cho học sinh hiểu bài.
Trong thời điểm dạy trực tuyến 100% như hiện nay, thực sự chúng tôi rất khó khăn" - thầy T., giáo viên dạy toán lớp 12 ở TP Thủ Đức, chia sẻ.
Thầy Trần Văn Toàn - tổ trưởng tổ toán, Trường THPT Marie Curie, quận 3 - ý kiến: "Tôi mong Bộ GD-ĐT nên giảm tải phần hình học không gian vì phần kiến thức này đang gây khó khăn cho cả thầy và trò khi dạy học online.
Ngoài ra tôi cũng mong bộ tinh gọn những bài giải tích trong chương trình học kỳ 1 của lớp 12. Những câu tính toán phức tạp nên bỏ đi, không nên yêu cầu học sinh phải đào sâu phần này như học sinh chuyên toán.
Bên cạnh đó, những phần về hình học giải tích, tích phân, số phức, mũ và log... cũng nên tinh gọn và giảm bớt các yêu cầu cần đạt đối với học sinh".
Giữa tháng 9 ban hành điều chỉnh nội dung dạy học
Giáo viên và nhân viên Trường TH Lý Cảnh Hớn (Q.5, TP.HCM) giao sách giáo khoa đến tận nhà học sinh sáng 9-9 - Ảnh: MINH THÀNH
Dự kiến giữa tháng 9-2021, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học. Trong đó yêu cầu chú trọng nội dung cốt lõi của các môn học khi xây dựng kế hoạch dạy học trong bối cảnh cần linh hoạt ứng phó với nhiều trạng thái.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, các vụ bậc học của Bộ GD-ĐT đang gấp rút xây dựng nội dung dạy học cốt lõi để sớm ban hành. Hiện Bộ GD-ĐT đang song song triển khai hai chương trình. Vì thế việc ban hành nội dung dạy học cốt lõi cũng phải đảm bảo các yêu cầu chung khi thực hiện, hướng đến mục tiêu giáo dục mới là phát triển năng lực phẩm chất người học.
Ông Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) - cho biết: Bộ sẽ ban hành hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học. Trong đó bảo đảm trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản, cốt lõi của tất cả các môn học; làm cơ sở để thực hiện các nội dung khác một cách chủ động, linh hoạt trong các tình huống khác nhau của tình hình dịch COVID-19.
Và các trường khi triển khai cũng cần đảm bảo coi các môn học công bằng như nhau, không có việc xem một số môn là môn chính và cắt bớt thời lượng của một số môn bị xem là môn phụ.
TTO - Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM vừa công bố giải thưởng "Giảng viên dạy trực tuyến xuất sắc năm 2021" dành cho giảng viên, giáo viên công tác tại các đơn vị thành viên, trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM.
Xem thêm: mth.99191159011901202-neyut-curt-yad-ihk-oan-nahp-maig-nen/nv.ertiout