Tuyên bố "giai đoạn phát triển mới" và thắt chặt không gian phát triển của những đại gia thương mại điện tử
Trong một thập kỷ tới, Trung Quốc thực hiện kế hoạch gần như "không tưởng" về công nghệ (techno-utopia), với "ngành công nghệ chuyên sâu" (deep tech) như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), ô tô tự lái và những con chip tiên tiến do Trung Quốc tự chế tạo.
Trong kế hoạch mới, các công ty công nghệ lớn như Alibaba, Tencent, Baidu sẽ bị hạn chế sức mạnh trên thị trường. Lợi nhuận sẽ phân phối lại cho các thương gia và nhà phát triển ứng dụng nhỏ hơn, và tất nhiên có cả các doanh nghiệp quốc doanh.
Dữ liệu quốc gia sẽ thông qua hệ thống có sẵn cho các công ty thuộc mọi quy mô, dưới sự giám sát của chính phủ Bắc Kinh. Với điều này, các thành phố hạng hai sẽ tự tạo các công nghệ riêng để nhằm phục phụ cho tối ưu địa phương và cạnh tranh với những gã khổng lồ.
Gần đây, Phó Thủ tướng Lưu Hạc (Liu He) đã tuyên bố rằng Trung Quốc đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, ưu tiên công bằng xã hội và an ninh quốc gia, chứ không phải tâm lý tăng trưởng bằng mọi giá trong 30 năm qua.
Chính phủ sẽ hướng dẫn "phát triển vốn có trật tự" để phù hợp với việc "xây dựng một mô hình phát triển mới".
Trong 9 tháng qua, các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã thẳng tay kiểm soát lĩnh vực công nghệ, mặc dù nó đã tạo ra những đổi mới và tăng trưởng giá trị đáng kinh ngạc. Quy định đối với hình thức kinh doanh công nghệ sẽ còn siết chặt trong 5 năm tới.
Ant Group của Alibaba là "nạn nhân" đầu tiên, khi bị đình chỉ phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) với trị giá kỷ lục 37 tỷ USD. Alibaba cũng chịu mức phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD sau cuộc điều tra chống độc quyền của Bắc Kinh.
Ứng dụng gọi xe Didi Global đã bị khai trừ khỏi các cửa hàng ứng dụng Trung Quốc vài ngày sau khi đạt vốn hóa 4,4 tỷ đô la Mỹ ở New York. Giá cổ phiếu của Didi đã lao dốc 11% xuống 10,2 USD trong phiên giao dịch hôm 22/7 trên sàn New York.
Tiếp đến, Tencent bị các cơ quan quản lý phạt vì nội dung khiêu dâm và các hành vi không công bằng, đồng thời yêu cầu chấm dứt các hợp đồng cấp phép âm nhạc độc quyền...
Siêu ứng dụng Meituan cung cấp các bữa ăn cũng vừa dính án phạt 1 tỷ USD. Vào ngày 9/8, Thời báo Tài chính đưa tin NetEase, một tập đoàn giải trí trực tuyến đã bị tạm hoãn IPO hoạt động kinh doanh phát trực tuyến âm nhạc tại Hồng Kông.
Phân bố lại nguồn lực tài chính và sức mạnh của các nền tảng công nghệ
Tại Châu Âu và một số bang của Mỹ, như California, đã đưa ra đạo luật nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi việc các công ty lớn lạm dụng thông tin cá nhân của họ. Trung Quốc cũng làm tương tự nhưng một số trường hợp thậm chí nghiêm khắc hơn.
Cơ quan Quản lý không gian mạng Trung Quốc hồi giữa tháng 12/2020 đề xuất siết chặt quy định thu thập dữ liệu người dùng trong các thanh toán trực tuyến, đặt xe, giao đồ ăn. Các ứng dụng phải thông báo với người dùng sẽ thu thập những thông tin gì, và phải được người dùng cho phép trước khi tiến hành.
Luật bảo mật dữ liệu có hiệu lực vào ngày 1/9/2021 và Luật bảo vệ thông tin cá nhân sẽ sớm được Quốc hội của Trung Quốc thông qua.
Một mũi nhọn khác trong chiến lược của Trung Quốc là phân bố lại nguồn lực tài chính và sức mạnh của các nền tảng công nghệ lớn tích lũy được trong thập kỷ qua. Ví dụ, Ant Group đã được các nhà chức trách yêu cầu quyền tiếp cận kho dữ liệu tài chính cá nhân khổng lồ cho các công ty nhà nước và các đối thủ công nghệ nhỏ hơn.
Các tập đoàn thương mại điện tử như Alibaba, JD.com và Pinduoduo đã nằm trong tầm ngắm của Tổng cục Quản lý thị trường quốc gia Trung Quốc (SAMR). Cơ quan quản lý chống độc quyền của Trung Quốc, cáo buộc họ có hành vi độc quyền.
Giới chức Trung Quốc cho rằng người lao động cũng sẽ được hưởng lợi từ chính sách này. Các công ty như Didi và Meituan bị cáo buộc sử dụng đội quân tài xế và nhân viên kho hàng với mức lương thấp. Họ buộc phải tăng lương và cung cấp cho người lái xe bảo hiểm tốt hơn. Giá trị thị trường của Meituan đã giảm 1/5, tương đương 42 tỷ USD, kể từ khi các biện pháp được công bố.
Mạng xã hội, thương mại điện tử và Internet tiêu dùng "không làm nên sự vĩ đại của một quốc gia"
Khía cạnh cuối cùng trong kế hoạch của Trung Quốc là chuyển các nguồn lực và tài nguyên từ các công ty công nghệ sang các công ty có năng lực tự sản xuất chất bán dẫn hiện đại, pin ôtô điện, máy bay thương mại và thiết bị viễn thông để duy trì sức mạnh sản xuất của Trung Quốc. Mạng xã hội, thương mại điện tử và Internet tiêu dùng là những dịch vụ "không làm nên sự vĩ đại của một quốc gia".
Đây là sự thay đổi rõ rệt trong tư duy quản lý kinh tế của Trung Quốc, kể từ những năm 1990. Để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhanh chóng, các công ty gần như được buông lỏng trong việc quản lý. Các địa phương còn tiến hành giảm thuế và nhường đất để thu hút những gã khổng lồ trực tuyến đến các tỉnh và thành phố của họ.
Phản ứng với thay đổi này, các nhà đầu tư Trung Quốc trong nước đang lo lắng. Những nhà đầu tư nước ngoài đang ủng hộ các công ty công nghệ của Trung Quốc dần rút lui. Ngày càng nhiều nhà đầu tư lo ngại biện pháp thắt chặt sẽ mở rộng hơn nữa. Những ngành công nghiệp như chăm sóc sức khỏe và bất động sản có thể là mục tiêu tiếp theo của các cơ quan quản lý.
Chỉ số cổ phiếu công nghệ Trung Quốc ở Hồng Kông và New York đều giảm 40-45% kể từ giữa tháng 2/2021. Các công ty có đối tượng khách hàng là người dùng internet (Consumer-internet companies) chiếm ít nhất 40% cổ phiếu lớn của Trung Quốc trong chỉ số MSCI Trung Quốc.
Giống như các công ty cùng ngành ở Mỹ như Apple, Alphabet, Amazon, Facebook, Netflix - các công ty công nghệ Trung Quốc đã kiếm được số tiền khổng lồ cho các cổ đông. Nhưng Trung Quốc cho rằng điều đó là lạm dụng sức mạnh thị trường, bóc lột công nhân.
Giờ đây, chính phủ Trung Quốc muốn sử dụng chính sách và công nghệ của mình để tạo ra một lĩnh vực công nghệ tập trung vào phần cứng hơn và ít buông lỏng hơn để giúp nền sản xuất vượt qua Mỹ và phương Tây. Điều này sẽ mở ra một trật tự kinh tế toàn cầu mới xoay quanh Trung Quốc.
Ứng Minh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị