Xuất khẩu sụt giảm
8 tháng qua, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính vẫn đạt ở mức cao, đạt trên 428 tỷ USD, tăng hơn 27%. Trong đó, xuất khẩu trên 212 tỷ USD, tăng hơn 21%. Điều này có được là nhờ tốc độ tăng trưởng cao trong những tháng trước đó. Tuy nhiên nhìn vào 2 tháng gần đây, xuất khẩu đã có sự sụt giảm do ảnh hưởng của dịch COVID 19 kéo dài.
Xuất khẩu tháng 7 giảm gần 1%, còn tháng 8 giảm mạnh gần 6% so với tháng trước đó. Những mức giảm có phần lo ngại vì những tháng cuối năm sẽ là điểm rơi phong độ cho hàng hóa xuất khẩu khi nhu cầu mua sắm, tiêu dùng tăng ở các thị trường trên thế giới.
Hai tháng gần đây, xuất khẩu có sự sụt giảm do ảnh hưởng của dịch COVID 19 kéo dài. (Ảnh minh họa: QĐND)
Những mặt hàng chủ lực đang phải điều chỉnh lại kịch bản cho mục tiêu phấn đấu của cả năm nay. Dệt may điều chỉnh từ mục tiêu ban đầu từ gần 40 tỷ USD xuống khoảng 32 - 33 tỷ USD. Da giày từ mục tiêu 22 tỷ USD cũng phải điều chỉnh còn hơn 14 tỷ USD. Ngành gỗ cũng giảm từ 15 tỷ USD còn hơn 12,5 tỷ USD.
Châu Âu lo khan hiếm hàng
Tại châu Âu, các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản cũng như các cửa hàng bán lẻ thực phẩm châu Á đều đang lo ngại tình hình dịch bệnh tại các nước châu Á làm đứt gãy nguồn cung. Tình hình đã tới mức giá cước vận tải biển tăng cao cũng không còn là vấn đề chính, miễn là có hàng để bán.
Hiện ở châu Âu, các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản châu Á đang phải cố gắng tích trữ hàng hóa. Nhiều nước châu Á dịch bệnh bùng phát, vùng nguyên liệu bị cô lập, công suất chế biến sụt giảm. Nếu dịch bệnh kéo dài, nguồn cung nông sản từ châu Á sang châu Âu sẽ giảm sút, thậm chí đứt đoạn.
"Khi dịch COVID-19 đang tăng mạnh ở các nước châu Á, công ty đã dự kiến đặt hàng rất nhiều so với thời điểm trước đây. Công ty cũng đang theo dõi thường xuyên về giá cước vận tải. Nhưng bây giờ cái quan trọng không phải là cước vận tải, mà quan trọng là phải có chỗ đi hàng cho kịp cung ứng cho dịp cuối năm", Giám đốc Công ty LTP Import Export B.V. (Hà Lan) Phạm Văn Hiển cho biết.
Tại châu Âu, giá cả nông sản châu Á đang tăng. Nếu tốc độ nhập khẩu chậm lại hoặc đứt gãy, thì giá bán còn cao thêm. Vì vậy, doanh nghiệp nhập khẩu một mặt phải cố gắng tăng đặt hàng tối đa khi còn có thể, mặt khác hạn chế lượng hàng bán ra.
"Hiện tại công ty cũng đang áp dụng biện pháp phân phối hàng, điều tiết hàng theo mức độ hợp lý. Ví dụ cho khách hàng đặt 100 thùng, công ty có thể cung ứng được 50, trong thời gian chờ các container qua", ông Phạm Văn Hiển cho biết thêm.
Hàng hóa vừa cập cảng châu Âu là những lô được bốc xếp lên tàu biển cách đây khoảng 1 tháng, trước khi đại dịch bùng phát ở châu Á. Hiện tại các cửa hàng bán lẻ, mọi chuyện vẫn tương đối bình thường, lượng hàng lưu kho vẫn đủ cho khoảng 3 tháng bán hàng. Tuy nhiên nếu 2 tháng tới nguồn cung vẫn chưa tái lập, thì sẽ là vấn đề lớn.
"Trên thực tế là sợ thiếu hàng. Tại mình sợ là vấn đề dịch bệnh này nó xảy ra lâu dài. Mặt hàng ảnh hưởng nặng nhất là bánh phở, bún, bánh hỏi, hàng đông lạnh, hàng tươi sống, rau, củ, quả. Ở Việt Nam ngưng trệ là ở bên này cũng bị ngưng trệ. Thái Lan, Indonesia ngưng trệ, thì bên này cũng bị ngưng trệ. Ảnh hưởng chung chứ không riêng của một quốc gia nào", ông Trần Tiến Minh, chủ cửa hàng Xuân Minh (Vương quốc Bỉ), cho hay.
Các doanh nghiệp nhập khẩu cũng như các cửa hàng bán lẻ nông sản nơi đây đều mong muốn đại dịch ở châu Á sớm được khống chế, kịp có đủ hàng hóa xuất khẩu sang châu Âu trước đợt bán hàng tốt nhất trong năm, 2 tháng trước Tết cổ truyền.
Hiện nay 19 tỉnh, thành phố của khu vực phía Nam đang áp dụng giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có 8 tỉnh, thành phố nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh và Tiền Giang.
Mặc dù chỉ chiếm 8% diện tích của đất nước và 17% dân số, nhưng 8 tỉnh, thành phố này đã đóng góp đến 40% vào giá trị xuất khẩu của cả nước, riêng TP Hồ Chí Minh là 17%.
Tính trên quy mô 19 tỉnh, thành phố phía Nam, 6 tháng đầu năm, các tỉnh thành này đã đóng góp 45% vào trị giá xuất khẩu cả nước với 79 tỷ USD.
Đảm bảo xuất khẩu thông suốt
Theo Bộ Công Thương, điểm sáng xuất khẩu thời gian qua có được phần lớn là nhờ việc tận dụng tốt lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do FTA thế hệ mới, bên cạnh đó là nỗ lực của nhiều doanh nghiệp và bà con nông dân khi chủ động thay đổi để thích nghi. Các giải pháp kết nối từ nguyên liệu tới nhà máy và cảng biển là vấn đề đang được các doanh nghiệp và địa phương triển khai tích cực để chuỗi logistics không bị đứt đoạn do dịch.
Đầu tư kho lạnh và công nghệ cấp đông đã giúp Công ty TNHH Kho lạnh Biển Sáng trụ vững giữa đại dịch. Mỗi ngày, dây chuyền của doanh nghiệp có thể chế biến 10 tấn thành phẩm, tương đương 30 tấn trái sầu riêng tươi. Nông sản được bảo quản lâu hơn nghĩa là nguồn nguyên liệu đầu vào dự trữ dồi dào và đi được những thị trường xa hơn.
"Khi sầu riêng được cấp đông, nó giữ được chất lượng, tươi ngon. Chúng tôi có cả công nghệ bảo quản múi hay cả quả", ông Nguyễn Bá Trí, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Kho lạnh Biển Sáng, cho biết.
Hình thành tư duy kinh tế nông nghiệp, gắn nông dân với thị trường giúp các đầu mối sản xuất và xuất khẩu được kết nối trực tiếp.
"Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã lập ra một bộ phận bắt đầu tích hợp dữ liệu đó thông qua 63 tỉnh, thành để hình dung trong một thời điểm nông sản đang thu hoạch là bao nhiêu", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho hay.
Tín hiệu tích cực là hiện sự kết nối đã tốt hơn nhờ các luồng xanh thông suốt ở các cảng biển, như tại Cảng biển Cát Lái, việc xuất khẩu diễn ra cơ bản bình thường.
Các cảng biển cũng đang cố gắng để đảm bảo hoạt động xuất khẩu diễn ra nhanh chóng trong dịp từ nay tới cuối năm, bởi đây là thời điểm mua sắm lớn nhất từ các thị trường lớn như Mỹ, EU.
Những mặt hàng chủ lực đang phải điều chỉnh lại kịch bản cho mục tiêu phấn đấu của cả năm nay. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Nghị quyết 105 mới đây của Chính phủ đã đưa những chỉ đạo rất sát sao, kịp thời giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến; kết nối cung cầu trên môi trường số; hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường còn dư địa lớn. Việc triển khai kịp thời, trúng và đúng, doanh nghiệp sẽ sớm được hỗ trợ, phục hồi sản xuất, nắm bắt cơ hội kinh doanh, xuất khẩu.
Doanh nghiệp ngành dệt may, thủy sản, gỗ... đang gặp những khó gì? Đâu là nguyên nhân? Các tỉnh, thành phố phía Nam là khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tỷ USD. Vậy phương án hỗ trợ cần nhất với các doanh nghiệp xuất khẩu ở khu vực này là gì?
Tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước khu vực EU đang diễn ra như thế nào? Trong bối cảnh cung - cầu đang bấp bênh như hiện nay, những phương án nào đã được triển khai để kết nối giữa đối tác EU và Việt Nam?
Việc giữ thị trường, giữ đối tác đơn hàng còn khó trong bối cảnh hiện nay. Nếu không thực hiện được đơn hàng, việc đối mặt với các biện pháp phạt hợp đồng là nguy cơ hiển hiện với doanh nghiệp. Việc kết nối với các thị trường, xúc tiến thương mại với các đối tác trong bối cảnh dịch bệnh đã được triển khai ra sao?
Câu trả lời phần nào sẽ được giải đáp trong chương trình Sự kiện và Bình luận (11/9) với sự tham gia của ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương; ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU; và ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp.
VTV.vn - Chậm tiến độ, chi phí sản xuất tăng cao, cạnh tranh về giá... là những thách thức mà ngành dệt may Việt Nam đang phải đối diện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.93423758011901202-uahk-taux-gnu-gnuc-iouhc-yag-tud-ad-nahc-pahp-iaig/et-hnik/nv.vtv